Luke Ellis (25 tuổi) và Steff White (54 tuổi) đến từ Devon, Vương quốc Anh, bắt đầu quen nhau qua mạng xã hội từ tháng 6 năm ngoái. Chỉ 2 ngày sau, họ quyết định gặp nhau ngoài đời và có chuyến du lịch cùng nhau lần đầu bất chấp khoảng cách của cả hai là 29 tuổi.
Luke cho biết, anh bị thu hút bởi “tính cách thực tế và đáng yêu” của bạn gái. “Cô ấy có một tính cách độc đáo – tôi yêu tính hài hước của cô ấy, yêu cả sự tốt bụng và trái tim biết yêu thương. Tôi chỉ tình cờ thử tính năng Hẹn hò trên Facebook và đến giờ tôi thấy biết ơn vì mình đã lướt sang phải để nhìn thấy cô ấy”.
Trong khi đó, Steff mê “sự quyến rũ táo bạo” từ bạn trai. Cô nhận thấy “bản tính hào hiệp” của Luke khiến trái tim mình loạn nhịp.
“Nếu tôi có một chiếc máy tính để nhập về cuộc sống mơ ước, thì đó chính là cuộc sống có anh ấy. Luke chăm sóc tôi một cách chu đáo từ việc nhỏ nhất. Người đàn ông này luôn ở bên và nói lời yêu với tôi mỗi ngày. Không có một tính từ tiêu cực nào có thể được dùng khi nói về anh ấy. Đây là những gì một người phụ nữ cần”, nhân vật chính chia sẻ trong hạnh phúc.
Dù câu chuyện tình yêu của họ được gia đình và bạn bè ủng hộ, nhưng mỗi khi bên nhau, họ vẫn nhận được những phản ứng trái chiều từ phía người xa lạ. Đôi khi là cái liếc nhìn bối rối hay lời xì xào ở nơi công cộng.
Trước những điều tiêu cực đó, cặp đôi chỉ “cười trừ” cho qua và nhận thấy tình yêu của mình “ngày càng mạnh mẽ hơn”. Cả hai đã lên kế hoạch cho đám cưới tổ chức vào cuối năm nay.
Cũng đã có lúc Steff thẳng thắn với bạn trai về những lo ngại của mình nhưng đối phương đã phớt lờ nó và cho rằng đó không phải là vấn đề đối với anh. Điều quan trọng chính là khi 2 người ở cạnh nhau, họ không hề thấy tẻ nhạt mà thậm chí còn không muốn rời xa.
Dù không mong muốn nhưng nghiên cứu cho thấy cặp đôi lệch tuổi càng nhiều tỷ lệ chia tay càng cao
Nghiên cứu được thực hiện bởi hai nhà xã hội học Hugo Mialon và Andrew Francis (ĐH Emory, Mỹ), kèm theo đó là sự hỗ trợ của Randal Olsen (ĐH Michigan, Mỹ) cho thấy sự chênh lệch tuổi tác có tác động lớn đến các mối quan hệ.
Nghiên cứu có sự tham gia của 3.000 người, họ được chọn lọc và phân tích dựa trên yếu tố kết hôn và ly hôn. Nghĩa là những số liệu “độ chênh lệch tuổi tác ảnh hưởng đến việc chung sống” hoàn toàn dựa trên sự khách quan, không đánh đồng các mối quan hệ.
Nhóm nghiên cứu từ ĐH Emory, Mỹ thu được kết quả như sau:
Với những cặp vợ chồng lệch nhau từ 1-5 tuổi, tỷ lệ ly hôn là 3%.
Con số này lên đến 18% khi cuộc hôn nhân diễn ra giữa hai người lệch nhau khoảng 5 tuổi. 39% là tỷ lệ ly hôn của các cặp chênh nhau 10 tuổi.
Và con số này lên đến mức “khổng lồ” là 95% khi khoảng cách chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên.
Với sự khảo sát trên 3.000 người, nhóm nghiên cứu cho thấy các mối quan hệ tồn tại lâu dài thường có tuổi tác ít chênh lệch. Đây chỉ là con số dựa trên dữ liệu thô, chưa bàn đến những thứ thuộc về quan điểm giữa các thế hệ.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra lý do đằng sau kết quả này (dựa trên suy nghĩ, quan điểm của người tham gia khảo sát).
Thứ nhất, quy ước xã hội khiến họ gặp nhiều vấn đề. Theo đó, các cặp vợ chồng có khoảng cách từ 10 tuổi trở lên có xu hướng bị xem thường. Những phản ứng từ xã hội dẫn đến sự suy giảm về mặt tình cảm giữa các đôi yêu nhau.
Về cơ bản, các cặp vợ chồng không được sự chấp thuận từ bạn bè, gia đình và cộng đồng vì chênh lệch tuổi tác.
Thứ hai, nhóm nghiên cứu đưa ra khái niệm “giai đoạn sống” – liên quan đến quan điểm, suy nghĩ giữa các thế hệ.
“Một người sắp chạm ngưỡng 40 sẽ đối mặt với các vấn đề, mục tiêu, giá trị cốt lõi trong cuộc sống khác hẳn so với người sắp bước vào ngưỡng 25”, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Vì vậy, các cặp vợ chồng dù có thể cùng nhau giải quyết mâu thuẫn nhưng những giá trị về quan điểm vẫn có sự khác biệt rất lớn.