Một bà mẹ ở Nam Kinh bỏ lại con gái trên ga tàu điện ngầm rồi hét lên: “Tôi không muốn nuôi con bé đó nữa” chỉ vì bé không làm bài tập về nhà.
Khi cảnh sát gọi điện cho người mẹ, cô tức giận đến mức phủ nhận mình là mẹ của đứa trẻ. Sau 20 phút thuyết phục, người mẹ bật khóc: “6 năm rồi, tôi bị con bé hành hạ suốt. Tất cả là vì nó không bao giờ muốn làm bài tập về nhà“. Cảnh sát nói rằng, chỉ cần nghe giọng của người mẹ đã đủ hiểu cô đang tuyệt vọng và bất lực đến thế nào với cô con gái 12 tuổi của mình.
Các phụ huynh Trung Quốc vẫn truyền tai nhau câu nói vui: “Nếu kiếp trước làm điều ác, kiếp này phải cùng trẻ làm bài tập về nhà”. Nhiều bậc cha mẹ đều có chung cảm nhận, họ luôn bị bài tập về nhà của con tra tấn đến phát điên.
Gần đây, một bà mẹ ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến vì quá tức giận khi con trai không làm bài tập về nhà đã nhảy sông tự vẫn. Một người mẹ khác, con làm bài thi không tốt đã tát con khiến cậu bé phải nhập viện vì bị chấn thương vùng đầu…
Mới nhất là vụ cậu bé 10 tuổi gọi điện báo cảnh sát: “Mẹ đang đánh bố, các chú phải đến ngay“. Tuy nhiên khi đến nơi, cảnh sát mới phát hiện, vì cậu bé mải xem tivi không chịu học bài nên người mẹ bỏ nhà đi. Không tìm được mẹ, cậu ta mới nghĩ đến việc cầu cứu cảnh sát.
Thật sự, kèm con cái học hành là một việc làm rất khó. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hòa thuận trong gia đình. Chuyện này không chỉ diễn ra ở riêng một nước nào mà nó hiện diện trong mỗi gia đình.
Hậu quả của những cơn nóng giận khi dạy con học bài là rất khó lường. Nếu cha mẹ nóng giận với con, bé sẽ bị tổn thương về thể chất và tinh thần. Khi bị nhiếc móc vô cớ, bé cảm thấy oan uổng, sợ hãi, uất ức. Khi bị cha mẹ đánh đập, bạo hành, bé sẽ bị đau đớn, tàn tật.
Còn bản thân cha mẹ nếu nổi nóng cũng có thể phải gánh chịu những hệ lụy nghiêm trọng đến tính mạng sức khỏe của mình. Bởi khi chúng ta nóng giận, chất adrenalin và catecholamine được giải phóng sẽ làm tăng huyết áp, đổ mồ hôi, đau đầu… Những ai đang bị bệnh ở gan hay tim sẽ có nguy cơ bệnh nặng hơn.
Trong một bộ não của con người có ba lớp, não người (có lý trí), não thú (cảm xúc) và não bò sát (bản năng), và khi adrenalin được giải phóng quá nhiều, nó sẽ làm mờ các lớp não, khiến chúng ta có xu hướng hành động theo bản năng…
Bởi vậy, để kiểm soát bản thân, tránh gây thương tổn cho con và chính bản thân mình, cha mẹ hãy tham khảo những bí quyết của chuyên gia tâm lí dưới đây:
Pha loãng cơn giận
Uống một cốc nước lọc, pha loãng chất độc làm mờ não để tĩnh tâm hay bấm huyệt hợp cốc (an thần) trên bàn tay để tự bình tĩnh. Và đặc biệt là giải pháp để nấu chín cơn giận: “Tắt CPU”: Hãy ngừng thở 30 giây: ngừng suy nghĩ, ngừng cảm nhận, ngừng hành động… Sau đó, “Restart”: Hít thở sâu, thở điều hòa trở lại; “Sắp xếp lại các files”: trả lời 3 câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra, Có thật không, có đáng không, và Phản ứng ra sao.
Và quan trọng hơn, ta nên giải quyết tận gốc cơn giận bằng cách Hiểu được luật nhân quả; Tập cho mình cách sống đơn giản (không đòi hỏi những gì quá khả năng của con); Sống yêu thương; Tìm cho mình một người hỗ trợ (vợ/chồng) khi phải chịu nhiều áp lực hoặc khi nổi nóng; Tự học, đọc các tài liệu về xử lý nóng giận…
Tạm tránh xa con một lát
Khi bạn thấy bản thân bắt đầu mất kiểm soát, tránh xa trẻ là giải pháp hữu hiệu. Việc này không chỉ giúp bạn kiềm chế bản thân mà còn giúp trẻ nhận ra bố/mẹ đang cần được nghỉ ngơi. Với những trẻ lớn hơn, bạn có thể nói thẳng thắn với trẻ: “Bố/mẹ đang mệt lắm, chút nữa mình nói chuyện sau nhé”.
Đếm ngược
Việc đếm ngược từ số lớn trở lại số nhỏ khiến bạn mất một chút thời gian để nhớ con số và giúp bạn kịp bình tĩnh trở lại.
Một vài người phải đếm từ 100 mới thuyên giảm cơn nóng nảy, nhưng nhiều người chỉ cần đếm từ 10 trở xuống. Bất cứ bao nhiêu thì đếm ngược cũng là cách giúp bạn có thêm thời gian suy nghĩ kĩ trước khi làm bất kì điều gì khiến bạn hối hận.
Chuyên gia cũng bổ sung, sự nóng giận hoàn toàn khác với sự nghiêm khắc khi dạy con. Giận quá mất khôn, nóng giận là khi chúng ta không thể kiểm soát được bản thân mình còn nghiêm khắc là khi chúng ta giáo dục con có chủ định, phương pháp, và chúng ta lường được kết quả của sự việc.
Đối với con trẻ, chúng có nhiều thủ thuật để trì hoãn việc học và làm bài tập như đi uống nước hoặc đi vệ sinh, kêu đói khát hoặc buồn ngủ. Hay khi đang làm bài tập, trẻ lại nhìn sang xung quanh, giống như dưới mông có gắn lò xo, có thể nhảy lên ngay lập tức khi nghe thấy một âm thanh lạ ngoài khu vực bàn học. Tâm thế và hành động của trẻ lúc này có thể “giết chết” sự nhẫn nại của bố mẹ chỉ trong vài phút.
Trên thực tế, làm bài tập về nhà là một việc tốn rất nhiều công sức và trẻ không thích cũng có lý.
Ví dụ chúng luôn mất tập trung và lơ đãng, đó là do chức năng khử tiếng ồn trong bộ não trẻ hầu hết đều không mạnh. Nếu não bộ không thể tự động giảm tiếng ồn, trẻ rất dễ bị nhiễu thông tin từ bên ngoài. Mặt khác, trẻ hay trì hoãn và chán nản cũng bởi do lượng bài tập quá nhiều. Mà càng nợ bài tập về nhà, tâm trạng của trẻ sẽ ngày càng giảm sút.
Suy cho cùng, nuôi dưỡng một đứa trẻ tự tin là rất khó, nhưng để hủy hoại ý chí của trẻ lại dễ như trở bàn tay. Vì vậy hãy cho phép trẻ chậm lại, cho phép trẻ mắc lỗi, tiếp tục tha thứ và kiên nhẫn. Nếu thực sự không kiềm chế được, kêu lên vài tiếng cũng không hại gì, dù sao đây thật sự là một việc đáng giận. Nhưng đừng là “nhà phê bình tiêu cực” của con cái.