Khi kết hôn, phụ nữ luôn nhận phần hi sinh thiệt thòi về phía mình. Tiếc rằng không phải người chồng nào cũng hiểu và biết trân trọng điều ấy.
Trong hôn nhân, sự nhường nhịn bao dung là cần thiết nhưng đó là khi đôi bên đều biết tự cân bằng cảm xúc, tôn trọng đối phương. Nếu chỉ một người nín nhịn, người kia mãi được đà lấn tới, vợ chồng sẽ chẳng thể tìm được tiếng nói chung. Hôn nhân trước sau sẽ gặp sóng gió, giống bài chia sẻ của người vợ trẻ có tên H.T. trong câu chuyện dưới đây.
T. tâm sự trong một nhóm kín của hội chị em như sau:
“Sinh bé đầu lòng được 6 tháng, chưa kịp quay trở lại công việc thì em phát hiện dính bầu lần 2. Cũng tại em chủ quan, trễ tháng lại cứ nghĩ sinh xong chưa có kinh nguyệt trở lại. Lúc đi khám, thai đã 4 tuần, chẳng còn cách nào em đành quyết định nghỉ việc không lương để sinh bé thứ 2. Tính 1 công đôi việc, vừa có thời gian dưỡng thai vừa chăm con nhỏ. Chồng em cũng tán thành với cách đó của vợ. Thực tế lương của chồng em khá ổn, trung bình mỗi tháng cũng kiếm được trên dưới 30 triệu nên vấn đề tài chính không đáng ngại.
Vậy mà sau khi vợ nghỉ việc, anh thay đổi thái độ tới chóng mặt. Trong mắt anh, vợ dần trở thành hạng vô dụng, chỉ biết ăn bám trong khi mọi việc lớn nhỏ từ nội trợ, chăm con tới chăm bố mẹ già mình em gánh hết. Vậy mà ngồi đâu chồng em cũng bảo vợ chỉ ở nhà ăn chơi. Bầu bí phải lo nhiều việc, mệt mỏi quá thi thoảng em có cằn nhằn vài câu trách chồng không chịu quan tâm đỡ việc nhà cùng vợ, anh liền quắc mắt quát: ‘Cô ở nhà ăn chơi, có mấy việc cỏn con cũng chờ chồng là sao. Giỏi thay tôi ra ngoài kiếm tiền nuôi 4 – 5 cái tầu há mồm đi’.
Cách đây vài ngày bé lớn nhà em bị sốt vi rút. Thằng bé quấy khóc cả đêm, sáng hôm sau là chủ nhật, em giục chồng chở vợ đưa con đi khám. Anh gằn giọng rằng: ‘Tôi có hẹn đi câu cá rồi. Cô tự lo cho con đi, đừng có dựa dẫm vào chồng’.
Miệng nói tay anh dắt xe đi. Em cũng đành bế con đi khám một mình. Tối ấy em vừa dỗ con vừa nấu cơm, thằng nhỏ khóc nhiều làm em quên biếng nồi thịt kho để cháy đen. Lúc sau chồng em đi câu về thấy mùi khét chạy vào tắt bếp, quay ra mắng vợ: ‘Cô đúng là loại ăn tàn phá hoại, đã không kiếm ra tiền giờ nấu bữa cơm không xong, chỉ ăn bám là giỏi’.
Nghe chồng nói, em thực sự không thể nín nhịn được thêm nên đỏ mặt to tiếng đáp lời: ‘Hôm nay tôi nói lần cuối để anh rõ, tôi chưa bao giờ ăn bám chồng. Tôi nghỉ việc cũng là để chăm lo cho con cái gia đình, để anh yên tâm đi làm. Anh thử hỏi người ta xem, nếu thuê giúp việc vừa trông trẻ, vừa chăm ông bà già, vừa lo nội trợ 1 tháng phải trả bao nhiêu tiền lương, chưa kể tôi còn phải thay anh lo đối nội đối ngoại các kiểu.
Tôi vì anh hi sinh bản thân, làm mọi thứ không than thở nhưng anh một lời tôn trọng vợ không có. Nếu trong đầu anh luôn suy nghĩ tôi ăn bám chồng thì ly hôn đi. Sống với người chồng như anh, tôi mệt mỏi lắm, thà ở vậy nuôi con cho thảnh thơi’.
Nói rồi em về phòng gấp đồ, bế con bắt xe về thẳng nhà ngoại. Chồng em chưa bao giờ thấy vợ phản ứng gay gắt như thế nên cứ ngây người nhìn. Lúc sau khi em về ngoại rồi lão ấy lại mò sang chủ động xuống giọng tự nhận mình vô tâm, ích kỷ và thề hứa thay đổi.
Nói chung em cũng chưa hẳn tin lão nhưng đây là lần đầu thấy chồng biết nhận mình sai, coi như đã có chút tiến bộ. Em nói rõ, nếu còn quá đáng với vợ, em ly hôn thật, không nuối tiếc”.
Khi kết hôn, phụ nữ luôn nhận phần hi sinh thiệt thòi về phía mình. Tiếc rằng không phải người chồng nào cũng hiểu và biết trân trọng điều ấy giống anh chồng trong câu chuyện trên. Vì chồng sống quá vô tâm, ích kỷ nên vợ anh bức xúc “vùng lên” cũng là điều dễ hiểu.
Theo T.G – Vietnamnet