Cưới nhau được hơn 1 năm nhưng hầu như ngày nào vợ chồng anh Nam cũng xảy ra xung đột. Chỉ hơi nặng lời một tí là anh ấy đã xưng mày tao rồi văng tục, nhiều khi tức quá còn tát vợ. Không những thế, anh còn xúc phạm tới gia đình vợ. Những câu nói “mày đã làm được gì cho gia đình tao chưa tao đxx phải làm gì cho gia đình mày…” như xát muối vào vợ.
Sống trong những nỗi dằn vặt ấy, nhiều khi Thương cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Có những lúc cô muốn chia tay, nhưng nghĩ con vừa sinh mà li hôn lại thấy thương con. Trong khi đó mẹ chồng thì luôn bênh vực con trai. Thương cảm thấy mình đã “lấy nhầm người” khi con người của chồng quay ngoắt 180 độ so với ngày còn yêu. Và sau tất cả những chuyện xảy ra làm cho Thương thấy chán cuộc sống như vậy và muốn giải thoát cho bản thân mình.
Ít ai nghĩ được rằng vợ chồng Thương lại xảy ra mâu thuẫn vợ chồng như vậy. Bởi trước khi cưới cả hai đã có một quãng thời gian yêu nhau 5 năm mặn nồng. Anh Nam thường xuyên quan tâm, chiều chuộng Thương. Đã có rất nhiều người cảm thấy ghen tỵ trước tình cảm của cả hai.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, khi đã đủ chín chắn trong tình yêu thì thường cả hai sẽ chọn cách tiến đến hôn nhân và yêu nhau. Nhưng trong tình yêu dù cả hai có hòa hợp bao nhiêu thì qua những ngày nắng sẽ có những ngày mưa. Giai đoạn đầu hôn nhân có thể coi là giai đoạn khủng hoảng, giai đoạn vỡ mộng trong hôn nhân. Bởi vợ chồng dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng khi mới về sống chung với nhau.
Về sống chung vì những cơm áo gạo tiền, chuyện hỉ nộ ái ố là lẽ thường tình xảy ra và tranh cãi quyết liệt cũng không hiếm. Cả hai có thể vỡ mộng về tính cách, ứng xử và ngay cả tình cảm. Nhiều người cảm thấy mình lấy nhầm người. Những xung đột tâm lý dễ xảy ra và khi không giải quyết được, những cuộc li hôn xanh là điều khó tránh.
Theo các chuyên gia tâm lý, không ít cặp đôi lại không để ý tới điều này và xung đột xảy ra:
* Không được đối phương quan tâm đủ hoặc công nhận giá trị bản thân
Bất cứ là nam hay nữ đều thích nghe những lời ngọt ngào, khen ngợi. Thế nhưng nếu bạn nỗ lực làm hài lòng đối phương trong mối quan hệ hôn nhân và tình yêu, cố gắng để nhận ra bản thân có vị trí nào trong mối quan hệ này mà lại không nhận được sự công nhận từ người kia hay những lời khen ngợi, lòng tự trọng của bạn chắc chắn sẽ bị tổn thương và thất vọng. Cả hai nếu như không coi trọng giá trị của nhau, việc xung đột rất dễ xảy ra.
* Không đáp ứng được nhu cầu tình cảm
Trong quan hệ tình yêu và hôn nhân, cả nam và nữ thường có những nhu cầu tình cảm chính đáng nhất định và mong đối phương đáp ứng. Chẳng hạn như hôn, ôm, sự quan tâm trong đời sống hàng ngày, mối quan hệ gia đình hai bên hoặc đơn giản là sự nhìn nhận… Thế nhưng một khi những nhu cầu này không được đáp ứng hoặc là chưa được như kỳ vọng, xung đột trong tình cảm là điều dễ gặp.
* Không cùng chung quan điểm
Mỗi người có những trải nghiệm cảm xúc, cuộc sống khác nhau nên cũng có những quan niệm khác nhau về cùng một vấn đề. Chẳng hạn là cách chi tiêu, hưởng thụ hàng ngày, một khi cuộc sống của một bên quá xa hoa có thể khiến đối phương không hài lòng. Người đó có cảm giác bạn không siêng năng, tiết kiệm, không phù hợp với quan điểm sống… nên có thể dẫn tới xung đột tình cảm.
Ngoài ra có nhiều yếu tố khác biệt khác, trái ngược quan điểm trong cuộc sống sẽ dẫn đến các mối quan hệ tình cảm thường xuyên xảy ra xung đột. Khi không biết cách điều tiết ở một trong hai người sẽ dễ dẫn đến đổ vỡ, kể cả khi đang yêu hay đã kết hôn.