Tung tin nhắn lên mạng để “cảnh cáo”
Liên và Hoành vốn là bạn từ thời học Đại học. Sau ngày ra trường cả hai có cơ hội gặp lại nhau. Run rủi lại cho hai người trở thành một cặp. Sở hữu cuộc hôn nhân mà người ngoài nhìn vào ai cũng ao ước, chị Liên từng rất tự hào. Chồng chị làm ra tiền và rất yêu chiều vợ con. Ở tuổi gần 50, anh vẫn phong độ. Thế nhưng sự thật anh có nhân tình bên ngoài mấy năm nay mà chị không biết.
Cho tới một ngày chị thấy điều bị bất thường ở chồng và tình cờ xem trộm được tin nhắn, chị đau đớn phát hiện chồng ngoại tình. Lúc đầu chị cũng tự xoa dịu bản thân rằng chồng thành đạt, giỏi giang thì ra ngoài khó tránh cám dỗ. Nhưng tới khi biết được chồng dâng nửa gia sản cho tình nhân, chị đã không thể bình tĩnh được. Chị liền tung tin nhắn lên mạng để “cảnh cáo” hai người. Cuộc sống của vợ chồng chị sau ngày đó bị đảo lộn hoàn toàn.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, khi bạn phát hiện vợ/ chồng ngoại tình tốt nhất đừng tung hê lên mạng. Bởi mọi người có thể không lường trước được những hệ lụy đằng sau. Vợ/chồng ảnh hưởng là một nhẽ nhưng ám ảnh nhất vẫn chính là những đứa con của họ. Những đứa con sẽ cảm thấy xấu hổ khi mọi người xung quanh, bạn bè bàn tán. Tổn thương mà trẻ phải gánh sẽ rất lớn, tạo thành vết thương tâm lý có thể sẽ theo suốt đời.
Cú sốc tâm lý sẽ làm trẻ có thể trưởng thành hơn nhưng mất đi niềm tin vào tình yêu, cha mẹ. Đứa trẻ khó có thể vượt qua được ám ảnh về hành động của bố mẹ khi mà “bóc phốt” nhau trên mạng. Nhất là khi chúng đọc được những lời mổ xẻ, bàn tán từ bàn dân thiên hạ…
Người chồng/vợ khi phát hiện nửa kia của mình ngoại tình qua tin nhắn, tốt nhất có thể giữ những tin nhắn này làm vi bằng trước toà để xem xét việc li hôn cũng như giải quyết tranh chấp con cái. Việc tung lên mạng xã hội chỉ lợi bất cập hại.
Theo luật sư, thời gian gần đây đã có rất nhiều vụ ngoại tình mà tin nhắn của người trong cuộc bị tung lên mạng. Trường hợp bóc phốt có thể người vợ/chồng chưa ý thức được hệ lụy khi đưa ra mạng xã hội. Thế nhưng điều này có thể vi phạm pháp pháp luật kể cả ở dân sự lẫn hình sự nếu người trong cuộc kiện còn đối diện nguy cơ vi phạm quyền riêng tư, bí mật hoặc vu khống, làm nhục người khác. Bởi vậy cần tỉnh táo hành xử khi phát hiện vợ/chồng ngoại tình.
Ứng xử với ngoại tình thế nào?
Nhiều vụ việc khi phát hiện chồng/vợ ngoại tình, người trong cuộc đã không bình tĩnh xử lý được liền vội vàng đánh ghen, lột trần tình địch thậm chí là bắt quả tang ở nhà nghỉ, khách sạn sau phát trực tiếp luôn lên mạng xã hội… Theo chuyên gia, trường hợp này nếu như bị phát tán họ mà bị quay lại kiện ngược tội “làm nhục người khác”, bạn sẽ phạm tội.
Chuyên gia tâm lý khuyên, khi phát hiện vợ/chồng ngoại tình trước tiên hãy giữ kín chuyện ngoại tình trong phạm vi riêng tư có thể. Nếu chỉ có 2 người biết thôi là tốt nhất vì theo tâm lý thông thường khi chuyện chưa phơi bày hay bị nhiều người biết, xử lý cũng dễ hơn. Bản thân người gây ra lỗi lầm, họ có cơ hội sửa vì được giữ thể diện khi có sự trân trọng.
Thế nhưng, nhiều người giải quyết rất manh động, cảm tính vì thiếu tỉnh táo. Chẳng hạn như đưa ra những lời chửi rủa thậm tệ, đuổi ra khỏi nhà hoặc bỏ về nhà bố mẹ đẻ, lôi kéo bố mẹ, bạn bè… vào cuộc như cách kiếm đồng minh.
Việc bóc phốt lên mạng là dại dột nhất. Ngay khi bạn tiết lộ những rắc rối trong hôn nhân của mình, bạn đã không còn khả năng kiểm soát, thậm chí đẩy cuộc hôn nhân của mình vào ngõ cụt nhanh hơn. Đa số các “nạn nhân” bị bóc phốt họ đều thấy mình là người có lỗi hoặc xấu hổ nên chọn im lặng để cho qua mọi việc. Người đi bóc phốt hả hê mình đã thắng nhưng thực chất nếu cứ thi nhau đưa chuyện “bóc phốt” như vậy, bản thân mình lại là người tổn thương. Đừng nên để chuyện kín lên mạng lan rộng để hủy hoại con.
Theo các chuyên gia, ngoại tình có rất nhiều nguyên nhân và đây là lí do khiến cho tỷ lệ li hôn nhiều. Đứng trước tình huống ngoại tình các cặp đôi nên bình tĩnh, cư xử có văn hoá. Hãy cùng nhau ngồi nói chuyện, nếu không ở chung được nữa thì giải pháp li hôn là tốt nhất.