7 bệnh lây qua đường tình dục

Xem bài viết

Sự xuất hiện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục đã có lịch sử hàng nghìn năm nhưng con người vẫn chưa thể xóa bỏ tận gốc các căn bệnh này. Với sự mở cửa của xã hội, nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục càng cao.

7 bệnh lây qua đường tình dục - Ảnh 1.

Ảnh: Pinterest

1. AIDS

AIDS, còn được gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, là một bệnh truyền nhiễm mãn tính và gây tử vong do nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV). AIDS chủ yếu xâm nhập vào cơ thể con người qua ba con đường chính là lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Việc ôm, bắt tay, ăn chung bàn… với bệnh nhân AIDS không gây lây nhiễm.

2. Bệnh lậu

Bệnh lậu do nhiễm vi khuẩn lậu cầu gây ra, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng sinh mủ ở cơ quan sinh dục như tiểu buốt, tiểu nhiều lần, dòng nước tiểu loãng, tiểu rắt. Nếu mắc bệnh, bệnh nhân cần điều trị kịp thời sau khi chẩn đoán, nếu không dễ mắc các bệnh mãn tính, gây viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt, chửa ngoài tử cung, sảy thai và các biến chứng khác.

3. Mụn cóc sinh dục (sùi mào gà)

Bệnh sùi mào gà do virus HPV gây ra. HPV là virus gây u nhú ở người, thời gian ủ bệnh của nó tương đối dài, có thể đến ba tháng.

Các triệu chứng chính biểu hiện trên bề mặt da, chẳng hạn như nổi mụn nhỏ. Để điều trị bệnh này, bệnh nhân bôi thuốc mỡ imiquimod và catechin, kết hợp với liệu pháp áp lạnh, axit trichloroacetic và các phương pháp điều trị vật lý khác.

4. Bệnh giang mai

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Ngoài bộ phận sinh dục, tùy theo tiến triển của bệnh, bệnh nhân còn có thể bị tổn thương mắt, xương, khớp, màng não, thận, gan, lá lách… Hình ảnh lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh.

Các thương tổn thường xuất hiện sau khoảng 3-4 tuần bị lây. Đặc trưng của thời kỳ này là săng (Chancre) giang mai với các biểu hiện:

– Là một vết trợt (vết xước nhẹ) nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, màu đỏ tươi và cứng (vì vậy còn gọi là “săng cứng”).

– Vị trí của săng: Thường gặp nhất là niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật… Ngoài ra, săng có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi…

– Hạch: Hạch vùng bẹn sưng to, thành chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là “hạch chúa”.

5. Mụn rộp sinh dục

Mụn rộp sinh dục (Herpes sinh dục) là bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus herpes simplex (HSV) gây ra. Biểu hiện là xung quanh hậu môn xuất hiện các nốt mụn nước, có thể gây ngứa và đau, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh.

Có hai loại HSV có thể gây ra mụn rộp sinh dục: HSV-1 và HSV-2. Nguyên nhân phổ biến nhất của mụn rộp sinh dục là HSV-2. HSV-1 thường gây ra vết loét xuất hiện trên miệng, môi và mắt.

6. Viêm niệu đạo không do lậu

Ngoài Neisseria gonorrhoeae, các vi khuẩn và mầm bệnh khác có thể gây viêm niệu đạo không do lậu, chủ yếu là Chlamydia và Mycoplasma. Các triệu chứng tương tự như bệnh lậu, chủ yếu là các triệu chứng biểu hiện ở đường tiết niệu và thời gian ủ bệnh từ một đến ba tuần, trung bình là hai tuần.

Một số triệu chứng thường gặp ở viêm niệu đạo không do lậu như sau:

– Tiểu rắt, tiểu nhiều lần, mỗi lần lượng nước tiểu rất ít. Khi tiểu, người bệnh có cảm giác ngứa và nóng rát, nước tiểu màu đục.

– Khi quan hệ tình dục, người bệnh có thể bị đau bộ phận sinh dục

– Sốt

– Có thể tiểu ra máu

7. Bệnh hột xoài (U hạt bạch huyết hoa liễu)

Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây nên. Vi khuẩn này đi qua da và niêm mạc bị xây xát vào các hạch bạch huyết, gây tắc nghẽn xung quanh hạch. Bệnh gây ảnh hưởng đến hạch bạch huyết, cơ quan sinh dục ngoài, thậm chí cả trực tràng và miệng.

Triệu chứng của bệnh hột xoài bắt đầu từ một đến bốn tuần sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Sau đó, cơ quan sinh dục ngoài có hiện tượng nổi bóng nước và lở loét. Tuy nhiên, những vết này có thể nhanh liền lại. Sau đó, hạch bạch huyết ở vùng bẹn sưng to, đỏ và căng đau. Áp xe (túi mủ) hình thành, rỉ mủ đục và dịch lẫn máu. Sốt, đau nhức cơ, đau đầu, chán ăn, nôn mửa và đau khớp có thể xảy ra.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Trên lâm sàng, việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục tương đối khó khăn. Nhiều người còn trốn tránh việc đi khám bệnh. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ là một thuật ngữ chung cho một nhóm bệnh, khi chữa trị, cần xem xét các loại bệnh, nguyên nhân và tình trạng bệnh lý cụ thể.

AIDS hiện không thể chữa khỏi, nhưng thời gian sống và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân có thể được đảm bảo thông qua thuốc. Mụn cóc sinh dục có thể được chữa khỏi lâm sàng thông qua phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác.

Mụn rộp sinh dục có khả năng tái phát nhất định dao động khoảng 30%. Bệnh giang mai nếu được điều trị kịp thời có thể chữa khỏi, ngược lại tổn thương do nhiễm trùng rất khó hồi phục.

Tú Anh (Theo Aboluowang)