Dự án Khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi được xây dựng đưa vào sử dụng 2018 nhằm lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc của đồng bào H’rê.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 5 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục của dự án đã xuống cấp nghiêm trọng, một số công trình trong khu bảo tồn buộc phải tháo dỡ do có nguy cơ mất an toàn.
Khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 1,48ha, với nguồn vốn hơn 10,5 tỷ đồng, gồm một khối nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà bêtông), ba nhà sàn truyền thống, các công trình phụ trợ như chòi lúa, chuồng trâu… xây dựng theo đúng kiến trúc nhà sàn truyền thống của người H’rê. Dự án được bàn giao cho huyện Ba Tơ vào năm 2018.
Thực trạng Khu bảo tồn hiện nay, khối nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng kiên cố bằng vật liệu bêtông cốt thép, mái lợp ngói chưa có dấu hiệu xuống cấp.
[Khẩn trương tu bổ các di tích xuống cấp trong khu phố cổ Hội An]
Tuy nhiên, bên cạnh nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống 3 nhà sàn truyền thống bằng gỗ, mái lợp tranh đã bị mục nát, rơi xuống sàn nhà, cả ba ngôi nhà vừa được phủ một lớp bạt màu xanh lên phần mái nhằm giữ cho nước mưa không xâm nhập vào bên trong phá hủy các cột gỗ của nhà sàn.
Một số cột, kèo, phên vách làm bằng gỗ, tre nứa đã bị mục nát, nhiều vật dụng sinh hoạt trong nhà sàn lâu ngày không có người sử dụng đã bám đầy bụi, mạng nhện.
Bên cạnh 3 khối nhà sàn, các chòi lúa, chuồng trâu được phục dựng theo văn hóa của người H’rê đã bị tháo dỡ do các công trình này đã bị mối mọt mục nát, đổ xiêu vẹo nguy cơ mất an toàn.
Khu vực đất trống chính giữa ba nhà sàn là không gian chung để người dân sinh hoạt văn hóa nhưng nơi này không được cải tạo, mặt bằng lồi lõm, cỏ mọc um tùm; ngoài ra khu bảo tồn không có tường rào vây quanh nên bò, gà của các hộ dân sống quanh khu vực ra vào tự do, phóng uế bừa bãi.
Anh Phạm Văn Điền, người dân thôn Làng Teng, chia sẻ người dân rất vui và vinh dự khi làng Teng được quan tâm đầu tư phục dựng các ngôi nhà sàn để có điều kiện sinh hoạt, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người H’re.
Tuy nhiên, do không có nhiều hoạt động tại khu bảo tồn nên nhân dân chỉ đến sinh hoạt đông đủ một lần vào dịp khu bảo tồn mới hình thành, còn các năm khác thì thưa dần, chỉ có các nghệ nhân đến khu bảo tồn khi có đoàn đến quay phóng sự.
Hiện, các nhà sàn truyền thống trong khu bảo tồn đã bị hư hại mất an toàn nên nhiều người dân cũng không đến đây nữa.
Theo ông Phạm Văn Lam, Trưởng thôn Làng Teng, nguyên nhân các nhà sàn trong khu bảo tồn xuống cấp nghiêm trọng là do tác động của thời tiết khiến một số hạng mục bị hư hại, không được khắc phục kịp thời dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, có rất ít hoạt động sinh hoạt văn hóa được tổ chức tại khu bảo tồn, nhân dân ít lui tới. Một số hạng mục làm bằng tre, nứa trong khu bảo tồn đã bị mối mọt hư hỏng nặng.
“Hiện việc tu bổ lại khu bảo tồn đang gặp rất nhiều khó khăn, do thiếu vốn, khó kiếm nguồn vật liệu thay thế… Việc nghèo ý tưởng tổ chức, duy trì các hoạt động văn hóa tại khối nhà sàn khu bảo tồn cũng là nguyên nhân khiến công trình chưa phát huy được hiệu quả,” ông Phạm Văn Lam nói.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết khu bảo tồn văn hóa làng Teng là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu đến du khách những nét đẹp về nghề dệt thổ cẩm của người H’rê làng Teng.
Sản phẩm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia, từng được kỳ vọng rất nhiều, tuy nhiên thực tế không như mong đợi.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay có nhiều vấn đề tồn tại trong khu bảo tồn. Ngoài việc bố trí mặt bằng chưa đạt, việc chọn vật liệu xây dựng chưa phù hợp, còn mang tính cứng nhắc, mới đảm bảo được yếu tố truyền thống chứ chưa đảm bảo yếu tố bền vững lâu dài.
Hiện, các hạng mục công trình phụ trợ xuống cấp nghiêm trọng đã được cho tháo dỡ ngay. Riêng ba ngôi nhà sàn chính cũng sẽ được kiểm tra, đánh giá, ngôi nhà nào còn đảm bảo sẽ cho giữ lại, nhà nào xuống cấp nghiêm trọng sẽ tháo dỡ để tập trung đầu tư nhằm bảo đảm tính tổng thể của một công trình kiên cố, duy trì những nét đẹp truyền thống song vẫn có tính bền vững của công trình và phù hợp với điều kiện hiện nay.
Ông Phạm Xuân Vinh cho hay: “Đối với những cây trụ chịu lực của nhà sàn, chúng tôi sẽ làm bằng bêtông sơn vân giả gỗ, mái lợp tranh sẽ được thay thế bằng các vật liệu giả tranh nhưng đảm bảo được tính thẩm mỹ cũng như kỹ thuật. Đối với sàn, vách sử dụng vật liệu bằng tre, nguồn vật liệu này thay thế dễ, rẻ tiền, có sẵn tại địa phương chúng tôi sẽ tiếp tục cho sử dụng. “
Việc tu bổ lại các công trình sẽ được tính kỹ đến tính kế thừa, phát huy giữa truyền thống và hiện đại, làm rõ công trình nhằm phục vụ sinh hoạt văn hóa của người dân hay chỉ để bảo tồn thổ cẩm làng Teng./.