3 con gái mang xăng phóng hỏa nhà mẹ đẻ vì đòi chia đất: Xử lý nghiêm vụ việc sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những đứa con bất hiếu

Xem bài viết

Mâu thuẫn chuyện gia đình, 3 cô con gái mang xăng phóng hỏa nhà mẹ đẻMâu thuẫn chuyện gia đình, 3 cô con gái mang xăng phóng hỏa nhà mẹ đẻ

GiadinhNet – Do mâu thuẫn chuyện đất đai, 3 cô con gái đã mang xăng tới phóng hỏa nhà mẹ đẻ.

Lãnh đạo UBND xã Trung Hòa (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ dùng xăng đốt nhà khiến 4 người bị thương. Theo thông tin ban đầu, bà Vũ Thị Đ. (61 tuổi, trú tại xã Trung Hoà) có 4 người con (3 gái, 1 trai). Trước đó, bà Đ. đã chia cho người con trai một suất đất mặt đường, 3 cô con gái mỗi người một suất trong ngõ. Khoảng 10 giờ ngày 30/10, cả 3 cô con gái của bà Đ. tìm tới nhà mẹ với mục đích đòi một suất ngoài mặt đường nên đã xảy ra mâu thuẫn.

Bất ngờ, những người con gái mang can xăng khoảng 4-5 lít đổ ra sàn rồi phóng hỏa. “Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm mấy mẹ con khiến tất cả đều bị bỏng với mức độ khác nhau. Hiện hai cô con gái bị bỏng nặng đang được cấp cứu tại bệnh viện, cô còn lại bị nhẹ, tự sơ cứu tại nhà. Người mẹ cũng bị bỏng, cháy quần áo và tóc đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu”, lãnh đạo UBND xã Trung Hòa thông tin.

3 cô con gái mang xăng phóng hỏa nhà mẹ đẻ vì đòi chia đất: Xử lý nghiêm vụ việc sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những đứa con bất hiếu - Ảnh 2.

Hiện trường vụ phóng hỏa

Bình luận về sự việc đau lòng này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, đánh giá hậu quả đã xảy ra làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Nếu hành vi đổ xăng đốt nhà có thể dẫn đến chết người hoặc để thực hiện hành vi giết người thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 (BLHS 2015).

Một người bình thường sẽ nhận thức được rằng, xăng là chất cháy nguy hiểm, có khả năng lan nhanh và khi đã đốt cháy thì rất khó để có thể dập tắt. Đổ xăng rồi châm lửa thì có thể dẫn đến cháy nhà, chết người, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của những người có mặt ở hiện trường. Do đó, trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy vụ cháy nhà là do có người mang xăng đến đổ ra và châm lửa đốt dẫn đến hỏa hoạn, nhiều người thương tích và thiệt hại đến tài sản thì đây là một sự việc nghiêm trọng.

Trường hợp động cơ, mục đích của hành vi đốt là để sát hại những người trong nhà hoặc người thực hiện hành biết được hành vi của mình là nguy hiểm, có thể gây thiệt hại đến tài sản, thậm chí tính mạng của những người sinh sống trong ngôi nhà này. Tuy nhiên, vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (mặc dù nạn nhân không chết do được cấp cứu kịp thời).

Trong trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự về tội giết thì cơ quan điều tra vẫn sẽ xử lý người đổ xăng đốt nhà trong tình huống này về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 (BLHS 2015) và tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 (BLHS).

“Việc xác định hành vi có thể dẫn đến chết người hay không sẽ phụ thuộc vào đặc điểm của hiện trường vụ án, phụ thuộc vào những người có mặt trên hiện trường, số lượng xăng đổ ra, khả năng thoát hiểm của nạn nhân và các yêu tố khác về mặt cơ học, kĩ thuật. Cơ quan điều tra sẽ khám nghiệm hiện trường, làm rõ các tình tiết có liên quan để xác định ý thức chủ quan thông qua hành vi khách quan, xác định đặc điểm hiện trường vụ án có thể dẫn đến hậu quả chết người hay không để làm căn cứ xác định tội danh nhằm xử lý người vi phạm theo quy định pháp luật”, Ts.Ls Cường phân tích.

3 cô con gái mang xăng phóng hỏa nhà mẹ đẻ vì đòi chia đất: Xử lý nghiêm vụ việc sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những đứa con bất hiếu - Ảnh 3.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhận định, xử lý nghiêm minh những vụ án như thế này cũng là bài học cảnh tỉnh cho những đứa con bất hiếu

Cũng theo Tiến sĩ Cường, hành vi đổ xăng để đốt nhà là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của những người xung quanh. Hành vi đổ xăng đốt nhà đã xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. 

Trong vụ việc này, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân mâu thuẫn là do tranh chấp đất đai, việc này đã được chính quyền địa phương hòa giải nhưng chưa có kết quả. Đây là thông tin quan trọng để xác định nguyên nhân sự việc. Nếu vì mâu thuẫn tranh chấp đất đai mà mấy người con gái đổ xăng đốt nhà để sát hại mẹ đẻ của mình thì đây là hành vi rất tàn nhẫn, đáng lên án, hành vi này sẽ được xác định là vì động cơ đê hèn.

Dù là nguyên nhân gì chăng nữa thì hành vi mang xăng đến nhà mẹ đẻ của mình rồi châm lửa như vậy thì cũng là hành vi không thể chấp nhận được. Hành vi này xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, cho thấy tính ích kỷ cao độ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe, tài sản của người khác, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ nguyên nhân sự việc, làm căn cứ để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý nghiêm minh những vụ án như thế này cũng là bài học cảnh tỉnh cho những đứa con bất hiếu, coi nặng giá trị vật chất và coi nhẹ tình nghĩa gia đình. Hành vi cũng cho thấy những bế tắc trong việc giải quyết tranh chấp của các bên liên quan cũng như trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai.

“Thời gian qua không ít trường hợp án mạng từ những tranh chấp đất đai không được giải quyết. Có nhiều trường hợp thì việc hòa giải ở chính quyền địa phương là chậm trễ, tắc trách, thiếu trách nhiệm. Có những vụ việc thì tòa án chậm thụ lý nên dẫn đến mâu thuẫn, bức xúc phải kéo dài và đến đỉnh điểm khi án mạng xảy ra.

Ngoài việc xử lý đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì cũng cần phải đánh giá nguyên nhân sự việc, làm rõ các yếu tố xảy ra, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan giải quyết tranh chấp dân sự. Khi những mâu thuẫn tranh chấp được phát hiện kịp thời, hóa giải có hiệu quả, thủ tục giải quyết tranh chấp dân sự đơn giản, nhanh chóng, công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý thì sẽ giảm bớt được những vụ án thương tâm như thế này”, Tiến sĩ Cường chia sẻ.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

n) Có tính chất côn đồ;

q) Vì động cơ đê hèn.

………………