Liên quan vụ sập cửa hàng tiện lợi Circle K trên đường Vĩnh Hội (phường 4, quận 4, TPHCM) khiến một nữ sinh tử vong, nhiều tài sản hư hỏng, dư luận thắc mắc ai sẽ chịu trách nhiệm trong vụ việc?
Trao đổi với PV Dân trí , một luật sư thuộc Đoàn luật sư TPHCM cho biết, đây là vụ tai nạn thương tâm khiến một học sinh tử vong. Vì thế, cơ quan chức năng sẽ xác minh, điều tra nguyên nhân để làm căn cứ giải quyết theo luật định.
Trường hợp kết quả xác minh có lỗi dẫn đến hậu quả tai nạn chết người, cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra và xử lý với người vi phạm theo quy định pháp luật.
Luật sư cho biết Điều 605 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Theo đó, các đối tượng là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Tùy thuộc quá trình chuyển giao sở hữu thì cả chủ sở hữu hay người được giao quản lý sử dụng, phải có trách nhiệm đối với nhà ở mà mình đang sử dụng. Ngoài ra, khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Tuy nhiên, Bộ luật dân sự hiện hành không xác định thứ tự chịu trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định chủ thể sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra.
Luật sư phân tích, qua thông tin báo chí phản ánh vụ việc, ban đầu nhà chức trách xác định là do công trình có dấu hiệu xuống cấp, các giá đỡ trên gác không được chắc chắn nhưng phía cửa hàng lại làm kho chứa hàng hóa dự trữ lớn dẫn đến quá tải.
Từ dữ kiện trên, cho thấy trong trường hợp nhà cửa, công trình khác gây thiệt hại mà có lỗi của người quản lý, thì phải xem xét trong thời gian đó chủ thể nào có nghĩa vụ quản lý (nghĩa vụ kiểm tra tình trạng, khắc phục hư hỏng…) thì ở đây chính là quản lý của cửa hàng Circle K.
Nếu chủ sở hữu là người trực tiếp quản lý, sử dụng thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại; Nếu do người khác chiếm hữu, sử dụng và họ không thực hiện tốt nghĩa vụ quản lý thì họ phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp khác, khi công trình đã đến giai đoạn xuống cấp mà bên cho thuê không thông báo giải thích và có yêu cầu sửa chữa công trình nhà ở trước đó với bên Circle K thì khi xảy ra thiệt hại cũng có một phần trách nhiệm.
Theo Điều 548 Bộ luật dân sự năm 2015, nếu việc sập nhà được xem là sự kiện bất khả kháng thì bên chủ sở hữu hay bên được giao quản lý không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Như vậy, tùy thuộc tình hình và kết luận điều tra, xác minh vụ việc mới có thể biết được cụ thể trách nhiệm sẽ thuộc về ai.