Theo nguồn tin từ Tuổi trẻ, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất điều tra, ban hành kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngày 19/8, Viện KSND TP.HCM đã ra lệnh tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng. Thời hạn tạm giam là 20 ngày.
Trước đó, khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau, được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận.
Tại các buổi livestream, bà Nguyễn Phương Hằng phát ngôn những nội dung về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều nghệ sĩ.
Việc nữ đại gia Bình Dương bị tạm giam thêm 20 ngày đã khiến dư luận cực kỳ quan tâm. Trả lời VietNamNet về lý do có thời gian 20 ngày, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, căn cứ vào Điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự, VKS có thẩm quyền gia hạn tạm giam trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng.
Đối với hành vi phạm tội của bà Nguyễn Phương Hằng thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng nên thời hạn gia hạn tạm giam chỉ là 20 ngày. Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng VKS có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày.
Cũng theo Điều 240, trong khoảng thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS phải ra một trong các quyết định: Truy tố bị can trước tòa án hoặc nếu thấy cần phải điều tra thêm thì tòa phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, quyết định gia hạn này của VKS là rất chặt chẽ, đúng quy trình. Việc gia hạn tạm giam với bà Hằng là cần thiết, vì hành vi vi phạm của bà Hằng là nghiêm trọng và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam.
“Việc này là bình thường trong hoạt động tố tụng để phục vụ công tác điều tra, xét xử theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay.