Bắt nhóm chuyên kêu gọi từ thiện để lừa đảo

Xem bài viết

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan điều tra đã khởi tố 5 vụ án hình sự; khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 
Các đối tượng trong vụ án gồm Nguyễn Tiến Dũng; Đỗ Văn Thảo (cùng SN 1993); Đặng Xuân Thắng (SN 1992); Phạm Văn Thắng (SN 1990) và Đặng Văn Dũng (SN 1992), cùng tạm trú tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. 
Trước đó, qua rà soát, các trinh sát đã phát hiện một số dấu hiệu bất thường trong hoạt động kêu gọi từ thiện trên không gian mạng. 
Cụ thể, cùng một hoàn cảnh cần giúp đỡ nhưng có rất nhiều người nhận là người nhà, rồi kêu gọi từ thiện. Đáng chú ý, một số trường hợp các thông tin được đăng tải không trùng khớp.
Cùng thời điểm này, Cục An ninh mạng (Bộ Công an) nhận được công văn của Công an tỉnh Phú Yên và Công an tỉnh Hà Nam đề nghị hỗ trợ, xác minh thông tin về ổ nhóm đối tượng nghi vấn lợi dụng hoạt động sử dụng không gian mạng kêu gọi từ thiện để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định các đối tượng sử dụng hàng nghìn tài khoản Facebook và nhiều tài khoản ngân hàng được mua trên mạng xã hội… Sau đó, sử dụng phần mềm để chạy hệ thống, kêu gọi làm từ thiện trên các trang Facebook; yêu cầu các nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng đã mua.

Hai đối tượng chủ chốt và tang vật ( ảnh tư liệu)

 Kiên trì rà soát, các đơn vị nghiệp vụ đã dựng được đối tượng nghi vấn là Nguyễn Tiến Dũng. Mở rộng điều tra, ngày 10/12, các đơn vị công an nói trên đã chia làm 5 tổ công tác, tiến hành triệu tập 8 đối tượng. 
Trong đó, có 5 đối tượng thuộc ổ nhóm có hành vi kêu gọi từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn cả nước gồm: Nguyễn Tiến Dũng, Đặng Xuân Thắng, Phạm Văn Thắng, Đặng Văn Dũng và Đỗ Văn Thảo.
 Theo lời khai của các đối tượng, để tránh sự phát hiện của lực lượng Công an, các đối tượng là người ở huyện Ứng Hoà (Hà Nội) nhưng lại thuê nhà tại địa bàn tỉnh Hà Nam để thực hiện hành vi phạm tội. 
 Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, các đối tượng đã thu, mua nhiều tài khoản Facebook ảo, phần mềm, tài khoản ngân hàng và nhiều thiết bị như máy tính cấu hình cao, điện thoại, thẻ sim…, từ nhiều đối tượng khác nhau. Sau đó, sử dụng phầm mềm để duy trì hoạt động của các tài khoản ảo và gia nhập các hội, nhóm đông thành viên trên mạng xã hội. 
Hàng ngày, các đối tượng tìm kiếm, sao chép, chỉnh sửa các bài viết, hình ảnh của các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật cần giúp đỡ trên các hội, nhóm trên không gian mạng; thay số tài khoản nhận tiền, tên người thân của nạn nhân để khớp với thông tin tài khoản nhận tiền.
 Sau đó, các đối tượng sử dụng phần mềm điều khiển tài khoản Facebook ảo tự động đăng tải bài viết lên các hội, nhóm đã gia nhập để kêu gọi tự thiện cho các nạn nhân. Sau khi nhận tiền từ các nhà hảo tâm chuyển khoản, để che giấu sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng sẽ chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác để rút trực tiếp tại cây ATM hoặc sử dụng dịch vụ chuyển tiền trung gian để nạp tiền vào tài khoản cá nhân.
 Số tiền các đối tượng chiếm đoạt được của các nhà hảo tâm không nhiều, mỗi người từ 500 ngàn đồng đến vài triệu đồng nhưng đều đặn hằng ngày. Vì thế, thu nhập trung bình mỗi tháng của các đối tượng lên tới vài chục triệu đồng.
 Bước đầu, Nguyễn Tiến Dũng khai nhận từ tháng 2/2022 đến khi bị bắt đã chiếm đoạt được 300 triệu đồng; Đỗ Văn Thảo từ tháng 10/2022 đến nay đã chiếm đoạt 30 triệu đồng; Đăng Xuân Thắng từ tháng 5/2022 đến nay đã chiếm đoạt 150 triệu đồng; Phạm Văn Thắng từ tháng 5/2022 đến này đã chiếm đoạt 30 triệu đồng; Đặng Văn Dũng từ tháng 4/2022 đến nay chiếm đoạt 250 triệu đồng.
 Điều tra, mở rộng vụ án, các đơn vị nghiệp vụ còn xác định, ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc kêu gọi từ thiện, Nguyễn Tiến Dũng còn thực hiện hành vi lừa đảo bằng việc giả mạo là nhân viên của các ngân hàng. 
Với thủ đoạn này, Dũng sử dụng tài khoản facebook ảo, tài khoản ngân hàng, thiết bị kỹ thuật…, để đăng tải các bài viết trên mạng xã hội quảng cáo về dịch vụ cho vay tín chấp của một số ngân hàng trong nước. Khi người bị hại tin tưởng, gọi điện thoại thì Nguyễn Tiến Dũng giả mạo là nhân viên các ngân hàng để tư vấn; đồng thời làm giả các giấy xác nhận của ngân hàng về việc hồ sơ vay vốn đã duyệt, yêu cầu người vay chuyển tiền cọc nhằm chiếm đoạt tài sản. 
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên các thiết bị do các đối tượng sử dụng còn lưu trữ thông tin hơn 4000 tài khoản Facebook ảo được sử dụng để đăng tải các bài viết kêu gọi từ thiện.