Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đang tạm giữ hai đối tượng Đoàn Diệu Linh (SN 1996, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và Hoàng Thế Vũ (SN 1994, ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, chồng của Linh) về hành vi “Hành hạ người khác”.
Trước đó, ngày 28/7/2022, Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) tiếp nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi Trung ương về việc có một trường hợp bệnh nhân là cháu L.Q.Tr (SN 2021, quê quán xã An Dũng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao.
Các bác sĩ chuẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, theo dõi chân tay miệng mức độ 4. Ngoài ra trên thân thể bệnh nhân có các vết lằn tổn thương da tại vùng chân, tay, mông nghi bị bạo hành trước đó.
Sau nhiều ngày được điều trị hồi sức tích cực, tình trạng nhiễm khuẩn huyết biến chứng suy đa cơ quan của bệnh nhi này đã có dấu hiệu chuyển biến khá hơn. Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện bé Tr đã cai được thở máy xâm nhập, chuyển sang thở ô xy hỗ trợ, tình trạng tuần hoàn và chức năng các cơ quan đang dần hồi phục. Tuy nhiên, bệnh nhi có nhiều biểu hiện về di chứng thần kinh. Cháu bé vẫn được các y bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục chăm sóc tích cực.
Bước đầu xác định, ngày 21/7/2022, chị Lê Thị Lan H (SN 1994, mẹ cháu Tr) qua mạng xã hội đã biết và thuê Đoàn Diệu Linh (SN 1996) trông cháu Tr với giá 3 triệu đồng/tháng tại ngõ 198 Xã Đàn (phường Phương Liên, quận Đống Đa) để đi làm công nhân tại Bắc Giang.
Trong quá trình trông cháu Tr, do cháu bị sốt và quấy khóc nên Linh và Hoàng Thế Vũ (SN 1994, chồng Linh) đã dùng dây sạc điện thoại, que gỗ, búa nhựa, băng dính hành hạ cháu Tr.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra sẽ sớm vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bước đầu xác định, các đối tượng sử dụng dây để buộc chân, dùng búa nhựa đập vào đầu và đặc biệt là hành vi dùng gậy gỗ để đánh vào người cháu bé và bịt băng dính vào miệng có thể dẫn đến khó thở, suy hô hấp. Cháu bé mới chỉ một tuổi, sức khỏe rất yếu, hoàn toàn không có khả năng tự vệ, hậu quả khiến cháu bé tím tái, nhập viện, suy hô hấp, trong tình trạng nguy kịch.
“Hành vi của các đối tượng này là rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm minh bằng chế tài của pháp luật. Rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 (BLHS 2015) để tiến hành điều tra. Quá trình điều tra, tùy thuộc vào hậu quả tiếp theo sẽ có thể chuyển tội danh sang tội “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Giết người”.
Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, thu giữ các hung khí, đồ vật mà các tượng đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Lấy lời khai của hai đối tượng này và lời khai của cháu bé, đồng thời sẽ theo dõi diễn biến về sức khỏe của nạn nhân, trưng cầu giám định thương tích để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật”, Ts. Ls Cường phân tích.
Cũng theo luật sư Cường, trường hợp cháu bé bị đánh dẫn đến tử vong hoặc có những thương tích nghiêm trọng, các đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm (gậy gỗ) đánh vào vùng trọng yếu, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì dù cháu bé không chết, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố hai đối tượng này về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 1 (Điều 123, BLHS). Trường hợp xử lý về tội danh này, các đối tượng có thể áp dụng nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Hành vi có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, phạm tội với người dưới 16 tuổi…
Trường hợp cháu bé may mắn được cứu sống, không chứng minh được hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng cháu bé có thương tích thì dù thương tích dưới 11%, cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với hai đối tượng này về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 (BLHS).
Có thể nói rằng, thời gian gần đây những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự, với những chế tài rất nghiêm khắc nhưng hành vi bạo hành trẻ em vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi và ngày càng phức tạp.
Bạo hành trẻ em xảy ra nhiều, phức tạp không phải là do thiếu pháp luật hay chế tài không đủ sức răn đe mà bởi nguyên nhân từ các giải pháp phòng ngừa kém hiệu quả, việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em không được quan tâm chú trọng đúng mức.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bạo hành trẻ em vẫn diễn ra phức tạp, trong đó có thể kể đến là hoàn cảnh gia đình khó khăn, những đứa trẻ sống trong gia đình nghèo, bố mẹ khó khăn, thiếu thốn thì nguy cơ bị bạo hành lớn hơn. Hoàn cảnh sống của trẻ em cũng là những yếu tố tiềm ẩn những nguy cơ trẻ em bị bạo hành. Với những trẻ em sống trong những gia đình thiếu cha, thiếu mẹ, sống chung với cha dượng, mẹ kế không tốt hoặc trong những gia đình không có hạnh phúc thì nguy cơ trẻ em trở thành nơi trút giận của những người lớn là rất cao;
Trẻ em sống trong những gia đình không có điều kiện kinh tế thì việc đảm bảo quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, thời gian chăm sóc giáo dục trẻ em cũng sẽ không đảm bảo, dễ có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại;
Có những trường hợp trẻ em sống trong gia đình có điều kiện kinh tế tốt nhưng cha mẹ trẻ em là người thiếu trách nhiệm, không quan tâm chăm sóc đúng mực đối với con cái, không biết cách bảo vệ con cái thì nguy cơ trẻ em bị bạo hành cũng sẽ xảy ra. Thậm chí có những vụ việc cha mẹ chính là những người đã thực hiện hành vi bạo hành, xâm hại đến con cái.
Ngoài ra còn có thể kể đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở nhiều nơi còn chưa hiệu quả. Hệ thống pháp luật ghi nhận về Quyền trẻ em ngày càng đầy đủ hoàn thiện, tuy nhiên công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, áp dụng pháp luật thì còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó phải kể đến các đảm bảo để các quy phạm pháp luật được đi vào đời sống xã hội, đảm bảo quyền trẻ em trong đó có quyền sống, quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe..
Cần phải xây dựng cơ chế để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trên thực tế, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể trong công tác bảo vệ trẻ em. Cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhận thức được quyền trẻ em và thực hiện các công việc, nhiệm vụ để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trên thực tế;
Cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý giáo dục mầm non, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp chồng trẻ tự phát, thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức, không có đạo đức thì mới giảm thiểu được những vụ việc đau lòng như thế này.
“Để quyền trẻ em được thực hiện trên thực tế thì ngoài việc hoàn thiện chính sách pháp luật, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng các cơ chế để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em cũng cần được chú trọng hơn nữa. Cần quy rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Cần đầu tư hơn nữa kinh phí, nhân lực, phương tiện vật chất kĩ thuật vào công tác bảo vệ trẻ em thì mới đảm bảo được quyền trẻ em và mới giảm bớt được những vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại”, luật sư Cường chia sẻ.