Manh mối từ bức thư nặc danh
Sau khi người chồng Pye Carr được loại khỏi diện tình nghi anh ta đã cung cấp cho cảnh sát một manh mối đáng chú ý. Trước khi Peggy trúng độc, ai đó đã nhét một tờ giấy vào hòm thư trước cổng nhà anh. Người viết thư yêu cầu cả nhà Peggy phải rời khỏi đó trong hai tuần nếu không muốn chết.
Pye cũng nói rằng hai vợ chồng hàng xóm từng rất bức xúc khi các con của anh hát karaoke quá to. Ngoài ra, hai vợ chồng hàng xóm cũng dọa kiện nhà Carr vì cải tạo nhà khi chưa xin giấy phép.
Bên cạnh đó, sau khi phân tích hiện trường vụ án, FBI suy luận kẻ bỏ độc có thể là người rất thông minh, hiểu biết về hóa học, làm việc gọn ghẽ, là đàn ông da trắng trong khoảng 35 tuổi, tính cách bị động, rụt rè, thích giải quyết xung đột một cách gián tiếp. Hắn thích đọc truyện, xem phim bạo lực và thường mơ về việc giết người.
Có được bức khắc họa tâm lý, cảnh sát chuyển sang điều tra hàng xóm xung quanh, vì kẻ gây án ắt phải biết rõ thói quen của gia đình để có thể âm thầm hạ độc.
Cảnh sát tìm gặp cặp vợ chồng hàng xóm này. Người vợ Diana Carr (cùng họ nhưng không có quan hệ họ hàng với gia đình nạn nhân) có bằng thạc sĩ hóa học, tốt nghiệp trường y, khoa chấn thương chỉnh hình. Người chồng George Trepal làm lập trình và viết cho tạp chí vi tính.
Cuộc đấu trí giữa cảnh sát và nghi phạm có IQ thuộc top 2% thế giới
Cặp vợ chồng hàng xóm của Peggy đều rất thông minh và là thành viên của Mensa – tổ chức dành cho người có IQ thuộc top 2% thế giới.
Gia đình George Trepal sống trên khu đất liền kề nhà của nạn nhân Peggy Carr. Hai ngôi nhà nằm giữa những lùm cây khá biệt lập. Những người hàng xóm gần nhất của họ cách đó khoảng 400m.
Nhiều nhân chứng đã kể lại những năm tháng George đe dọa, tranh cãi và thù hận đối với gia đình Carr. Alan Adams, người làm vườn cho George vào năm 1982 và 1983 cho biết thấy George “luôn tỏ ra rất khó chịu và thường hét lên bằng những lời tục tĩu với bọn trẻ nhà Carr”. George cũng không ít lần đe dọa sẽ giết chúng.
Khi được hỏi lý do tại sao lại có người muốn hạ độc, George Trepal trả lời “vì có thể có người muốn hại họ, muốn họ chuyển đi nơi khác”. Điều tra viên lập tức sinh nghi vì giọng điệu và thái độ này tương tự như lời đe dọa nặc danh, trong khi bức thư chưa được công khai.
Theo People, George Trepal khai không biết gì về chất thallium, trong khi trước đó từng ngồi tù 2 năm rưỡi vì tham gia chế biến ma túy đá (meth) trong đường dây lớn nhất Đông Mỹ thập niên 1970. Thallium là một trong những tiền chất được dùng để sản xuất meth.
Nhóm điều tra nhận định George có động cơ sát hại các thành viên nhà Peggy do xích mích trong sinh hoạt. Anh ta có điều kiện bỏ thuốc độc vào chai Coca-Cola trong nhà Peggy vì khoảng cách gần giữa hai nhà. Tuy nhiên, cảnh sát không thể khám xét nhà George vì chưa có bằng chứng nặng ký để tòa đồng ý khám xét.
Cuối cùng, cơ quan chức năng cử nữ đặc vụ Susan Gorek cải trang thâm nhập vào hội nhóm Mensa mà George Trepal và vợ thường tham gia hoạt động.
Chân dung kẻ giết người
Ngay sau khi gia nhập MENSA, Susan đã cố gắng tìm cách tiếp cận George. Nhưng trong 18 tháng sau đó, nghi phạm không bộc lộ bất kỳ sơ hở nào để Susan có thể tìm ra bằng chứng.
Một ngày nọ, George nói anh ta và vợ sẽ chuyển tới thành phố Sebring nhưng chưa bán được nhà, Susan đề xuất anh ta cho cô thuê nhà. George đồng ý.
Ngay sau khi Susan chính thức chuyển tới ngôi nhà, cảnh sát lập tức xin lệnh khám xét và tòa án đồng ý.
Nhóm cảnh sát tịch thu toàn bộ chai, ống nghiệm chứa chất lỏng trong ngôi nhà để phân tích. Sau đó, Susan hẹn gặp George và nói rằng hai cảnh sát đã gặp cô trong ngôi nhà mà cô thuê để hỏi về George. Khi gã lập trình viên nói rằng cảnh sát tới vì 3 người bên nhà hàng xóm bị đầu độc, Susan tung đòn quyết định.
Cô nói rằng hai viên cảnh sát kia đang nghi thủ phạm là George. Ngay lập tức, George trở nên mất bình tĩnh và cư xử khác thường. Người đàn ông này không biết rằng một nhóm cảnh sát đã theo dõi cuộc gặp từ xa và ghi âm, ghi hình mọi động tác của mình.
Đúng lúc này, các chuyên gia hóa học thông báo kết quả lọ màu nâu mà họ tịch thu trong gara nhà George chứa chất thallium. Ngay lập tức, cảnh sát xin lệnh bắt George với cáo buộc sát hại Peggy Carr và âm mưu đầu độc cả gia đình Carr.
Khám xét nhà mới của George, cảnh sát tìm thấy một cuốn sổ viết tay có tên “Hướng dẫn hạ độc khái quát”, tập hợp nhiều trích đoạn từ các sách về độc dược, một khổ trong đó ghi lại chi tiết cách sử dụng thallium. Ngoài cuốn sổ là quyển tiểu thuyết “The Pale Horse” của Agatha Christie, kể về dược sĩ giết người bằng thallium. Tất cả đều có dấu vân tay của George.
George Trepal bị bắt vào tháng 4/1990 với cáo buộc sát hại Peggy Carr và âm mưu bỏ độc cả gia đình Carr. Cảnh sát tin rằng nghi phạm rất khó chịu với hàng xóm, đặc biệt là lũ trẻ. Khi đe dọa bất thành, ông ta lén bỏ thuốc độc vào chai cô-ca.
Mọi thành viên gia đình đều bị nhiễm độc, trừ con gái riêng của Peggy Carr vì cô chỉ uống loại không đường.
Phiên tòa diễn ra vào 1991, George Trepal bị truy tố trong 7 cáo trạng về người cấp độ I và Giết người không thành; 7 cáo trạng bỏ độc vào thực phẩm, một cáo trạng can thiệp vào sản phẩm tiêu dùng (cô-ca đóng chai).
Phiên xử George James Trepal diễn ra khá căng thẳng vì công tố viên không có bằng chứng trực tiếp để chứng minh sự liên quan của bị cáo, chẳng hạn như dấu vân tay hay DNA. Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn tin rằng xích mích giữa nhà Trepal và nhà Peggy là động cơ đủ lớn để một người tự cao tự đại như George sẵn sàng đoạt mạng những người láng giềng.
Bồi thẩm đoàn cũng nhận định việc George tích trữ thallium trong nhà và việc Peggy chết vì thallium liên quan tới nhau. Thái độ bất thường của bị cáo khi nữ mật vụ Susan nói anh ta là nghi phạm cũng củng cố niềm tin của bồi thẩm đoàn.
Sau 6 tiếng nghị án, George Trepal bị bồi thẩm đoàn tuyên có tội với mọi cáo trạng truy tố, chịu án tử hình. Tuy nhiên, ông ta khẳng định mình vô tội nhưng cả 10 kháng cáo sau đó đều bị toà từ chối.