Cảnh báo nguy cơ chia sẻ hình ảnh căn cước công dân lên mạng xã hội

Xem bài viết

Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn rất chủ quan trong việc bảo mật thông tin cá nhân. Thậm chí, một số người dễ dàng cung cấp thông tin hoặc “vô tư” chia sẻ hình ảnh chứng minh nhân dân, CCCD gắn chíp lên mạng xã hội. Hành động này tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân rất lớn.

Theo Công an Thanh Hóa mã QR và chíp trên thẻ CCCD có chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm công nghệ cao có thể triệt để lợi dụng và chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin trên thẻ CCCD là có thể biết rõ thông tin cá nhân của công dân. Từ đó, các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật mà người dân không hề hay biết. Khi đó, người dân sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro cùng những hậu quả khó lường.

Cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo khi chia sẻ hình ảnh căn cước công dân lên mạng xã hội - Ảnh 1.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh thi hành lệnh bắt giữ đối với đối tượng Phạm Thị Lan Anh.

Rủi ro phổ biến nhất mà người dân có thể gặp phải khi chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội chính là bị các đối tượng sử dụng để vay tiền online. Hiện có rất nhiều ứng dụng vay tiền online chỉ yêu cầu người vay gửi hình ảnh căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, sau đó sẽ giải ngân cho vay rất nhanh chóng. Ngoài ra, các đối tượng có thể thu thập hình ảnh căn cước công dân mà người dân chia sẻ để đăng ký thuê bao điện thoại trả sau, đăng ký mã số thuế ảo, tài khoản ngân hàng…. nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ đối với Phạm Thị Lan Anh (SN 1990, quê xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, Thanh Hoá) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Lan Anh từng bị TAND tỉnh Hà Nam xử phạt 3 năm tù giam về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Hành vi của Lan Anh là sử dụng giấy tờ, tài liệu gồm chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động, sao kê tài khoản để làm hồ sơ mở thẻ tín dụng tại một ngân hàng có Chi nhánh tại TP Thanh Hóa để chiếm đoạt số tiền 76.517.000 đồng.

Hiện nay, hầu hết người dân đã chuyển sang sử dụng CCCD gắn chíp. Trong khi, mã QR và chíp trên thẻ CCCD được tích hợp nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm công nghệ cao có thể nhắm vào để trục lợi. Do đó cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội; không cung cấp thông tin CCCD, chứng minh nhân dân cho những dịch vụ không thiết yếu hoặc dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; không cho người khác mượn CCCD nếu không có mục đích chính đáng. Khi mất căn cước, công dân cần trình báo lên cơ quan chức năng và làm lại giấy tờ.