Công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang điều tra vụ việc cha dùng xăng và rơm đốt chân con trai 7 tuổi. Ngày 2/10, anh N.A.T (SN 1986, trú tại xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch) đi nhậu về thì nghe thông tin con trai 7 tuổi ăn trộm tiền của hàng xóm để mua đồ chơi. Không kìm chế được bản thân, anh T dùng dây trói con lại rồi dùng xăng và rơm đốt chân con trai.
Lúc này, bà nội gần đấy phát hiện nên đã chạy đến dập lửa để cứu cháu rồi đưa đến Trạm y tế xã băng bó vết bỏng.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, hành vi của người cha dùng xăng đốt chân con trai mình khi nghe tin cháu bé trộm tiền của hàng xóm là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí có thể tính mạng của cháu bé. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi đốt chân cháu bé được thực hiện như thế nào, xác định hậu quả có thể xảy ra làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi đốt chân cháu bé có thể dẫn đến chết người, người cha nhận thức được điều đó nhưng vì nóng giận, bực tức mà cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, cháu bé không chết là do được cấp cứu kịp thời thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 (BLHS 2015) với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội với người dưới 16 tuổi” và hành vi “có tính chất côn đồ”. Khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp nạn nhân không chết thì hình phạt có thể tới 20 năm tù.
Nếu kết quả điều tra cho thấy, hành vi đốt của người cha không thể dẫn đến chết người nhưng hậu quả gây thương tích cho cháu bé đã xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 (BLHS 2015).
Một người bình thường sẽ nhận thức được rằng khi dùng xăng để đốt chân cháu bé thì hoàn toàn có thể gây ra thương tích, thậm chí dẫn đến nạn nhân thiệt mạng nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả thương tích với nạn nhân thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích để xác định hậu quả làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.
“Vụ việc này là bài học cho các bậc phụ huynh khi thiếu kỹ năng dạy con, vì nóng giận mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con mình. Cháu bé trong vụ việc này còn quá nhỏ tuổi, hành vi của cháu bé hoàn toàn có thể giáo dục bằng lời nói, bằng sự ân cần giải thích và quan tâm hơn đối với cháu bé.
Việc sử dụng bạo lực để giáo dục với cháu bé vì bất kỳ lý do gì cũng là hành vi đáng trách, đáng lên án. Nếu gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe của cháu bé thì người thực hiện hành vi hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Ts. Ls Cường chia sẻ.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
…………….