Cha dùng thắt lưng buộc cổ, đánh đập con khi nghe vợ báo mất 100.000 đồng: Sử dụng bạo lực để giáo dục trẻ em là vi phạm pháp luật

Xem bài viết

Cha hành hạ con ruột ở Đà Lạt: Hành vi nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hộiCha hành hạ con ruột ở Đà Lạt: Hành vi nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội

Chuyên gia cho rằng hành vi của người cha là nguy hiểm cho xã hội và việc hành hạ trẻ em, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều vi phạm.

Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã có quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thành Luân (SN 1985, ở phường 8, TP Đà Lạt) để điều tra hành vi hành hạ người khác. Nguyễn Thành Luân được xác định là người đã hành hạ cháu N.A.H. (10 tuổi, con trai ruột Luân).

Khoảng 21h30 ngày 19/10, tại một chung cư ở phường 5 (TP Đà Lạt), sau khi đi nhậu về, Luân nghe vợ nói về việc nghi ngờ con trai lấy trộm 100.000 đồng của gia đình. Luân đã dùng tay, dây thắt lưng đánh tới tấp vào người H.

Không những thế, Luân còn bắt cháu H. cởi hết quần áo, ép cháu H. sủa tiếng chó, bắt quỳ xuống sàn nhà rồi tiếp tục đánh. Chưa dừng lại, Luân còn dùng dây thắt lưng đeo vào cổ dắt cháu H. bò từ căn hộ xuống cầu thang, bò ra ngoài đường rồi lại bò vào căn hộ.

Theo camera an ninh tại khu chung cư cho thấy, khi cháu H. bò ra đường thì Luân tiếp tục dùng chân đá vào người cháu. Trong quá trình lôi con ra ngoài, Luân cầm dây lưng kéo ngược lên 2-3 lần, tiếp tục tát vào mặt cháu H. rồi dắt cháu từ đường lên lại căn hộ.

Ngày 20/10, UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo Công an TP Đà Lạt vào cuộc xác minh, điều tra hành vi bạo hành trẻ em của Nguyễn Thành Luân.

Theo cảnh sát, Nguyễn Thành Luân đang chấp hành án treo về tội “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra trên địa bàn TP Đà Lạt.

Cha dùng thắt lưng buộc cổ, đánh đập con khi nghe vợ báo mất 100.000 đồng: Sử dụng bạo lực để giáo dục trẻ em là vi phạm pháp luật - Ảnh 2.

Luân bắt con lột sạch quần áo, kéo con bò đi dưới đất (Ảnh cắt từ clip)

Sau khi xem qua đoạn clip, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, hành vi của người cha là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của cháu bé khiến dư luận xã hội bức xúc, lên án.

Toàn bộ hành vi của Luân được camera an ninh ghi lại, đây là những chứng cứ rất rõ ràng khiến đối tượng này không thể chối cãi được. Ngoài ra, những thương tích trên cơ thể cháu bé là những bằng chứng tố cáo hành vi bạo hành của người cha. Người đàn ông này đã có hành vi cố ý gây thương tích, làm nhục, hành hạ cháu bé một cách tàn nhẫn.

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường kiểm tra dấu vết trên thân thể cháu bé và có thể tiến hành trưng cầu giám định thương tích cho cháu bé. Trường hợp hành vi đánh đập cháu bé dẫn đến thương tích, cơ quan điều tra sẽ khởi tố người đàn ông này về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 (BLHS 2015).

Trường hợp không xác định được thương tích của cháu bé nhưng hành vi được xác định là đối xử tàn ác với người lệ thuộc, Luân cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội “Hành hạ con” theo quy định tại Điều 185 (Bộ luật Hình sự 2015).

Cha dùng thắt lưng buộc cổ, đánh đập con khi nghe vợ báo mất 100.000 đồng: Sử dụng bạo lực để giáo dục trẻ em là vi phạm pháp luật - Ảnh 3.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam

Theo quy định của pháp luật, người dưới 16 tuổi là trẻ em, là đối tượng được bảo vệ chăm sóc và giáo dục đặc biệt theo quy định của hiến pháp, luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan. Mọi hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng bạo lực để giáo dục trẻ em, dù bất kể người đó là ai. Trẻ em là đủ tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có nhận thức đầy đủ về cuộc sống nên dễ mắc sai lầm. Việc giáo dục trẻ em đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và bao dung.

Hành vi nổi nóng, đánh đập, hành hạ trẻ em cho thấy sự bất lực, thiếu kỹ năng giáo dục và là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, dù bất kỳ lý do gì, hành vi đánh đập trẻ em cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Không ít các bậc cha mẹ vì bực tức mà đánh đập trẻ em dẫn đến các con bị thương tích, bị ảnh hưởng nghiêm trọng về đời sống tâm lý và sức khỏe, nhiều người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn ra, đặc biệt là với những người cha dượng, mẹ kế hoặc cha mẹ là người nghiện ngập, sống trong gia đình không có hạnh phúc.

“Vụ việc này là bài học cho các bậc phụ huynh khi thiếu kỹ năng dạy con, vì nóng giận mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con mình. Cháu bé trong vụ việc này còn quá nhỏ tuổi, hành vi của cháu bé hoàn toàn có thể giáo dục bằng lời nói, bằng sự ân cần giải thích và quan tâm hơn đối với cháu bé.

Việc sử dụng bạo lực để giáo dục với cháu bé vì bất kỳ lý do gì cũng là hành vi đáng trách, đáng lên án. Nếu gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe của cháu bé thì người thực hiện hành vi hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Tiến sĩ Cường chia sẻ.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

…………..

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;