Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật Trung Hòa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, đối với vụ hoả hoạn thương tâm vừa qua tại Quan Hoa, trước mắt cơ quan điều tra cần thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm xác minh nguyên nhân xảy ra vụ cháy như lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường,…
Nếu có dấu hiệu tội phạm hoặc thu thập đủ căn cứ để xác định một cá nhân hoặc pháp nhân nào đó đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì cơ quan điều tra cần ra quyết định khởi tố hình sự với vụ việc này.
Theo luật sư, việc xác định thời điểm vụ cháy xảy ra khi quán đang hoạt động kinh doanh, tức là chỉ tạm dừng hoạt động trong một thời gian nhất định hay là xảy ra khi quán đã ngừng kinh doanh là yếu tố quan trọng để xác định được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công tác đảm bảo PCCC. Đặc biệt là trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh này.
Nếu vụ cháy xảy ra khi quán đang hoạt động kinh doanh, chỉ tạm dừng hoạt động trong một thời gian nhất định, tức là chủ cơ sở kinh doanh đã không tuân thủ đúng quy định về PCCC dẫn tới sự việc xảy ra.
Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy tại Điều 313 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định hình phạt cho tội danh này từ cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Mức phạt tù có thể lên đến 12 năm trong trường hợp phạm tội mà làm chết 03 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 01 tỷ 500 triệu đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Theo thông tin sơ bộ ban đầu, đám cháy xuất phát từ khu vực tầng 06 của quán Karaoke đang dừng hoạt động để sửa chữa. Chủ tịch UBND quận Cầu Giầy cũng cho biết trước khi xảy ra vụ cháy, quán karaoke ISIS đã dừng hoạt động do chưa cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016.
Do vậy, nếu vụ cháy xảy ra khi quán này đã ngừng kinh doanh và nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất cẩn của những người tiến hành sửa chữa thì trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị thi công”, luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Luật sư cho rằng, nếu xác định đơn vị thi công sửa chữa không tuân thủ đảm bảo an toàn lao động, dẫn đến hỏa hoạn xảy ra, gây chết người, cơ quan chức năng cũng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định an toàn lao động, cao nhất lên tới 12 năm tù.
Về trách nhiệm của 8 cá nhân được 3 chiến sĩ cảnh sát cứu từ trong đám cháy, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, nếu 8 nạn nhân này là người được chủ cơ sở kinh doanh uỷ quyền thực hiện sửa chữa nhưng đã gây ra hoả hoạn, dẫn đến chết người thì cần chịu trách nhiệm về bồi thường thiệt hại.
Cụ thể, nếu việc uỷ quyền thực hiện sữa chữa có hợp đồng và nội dung hợp đồng có điều khoản về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do việc thực hiện công việc sửa chữa gây ra thì sẽ thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại trong hợp đồng – đây là hình thức trách nhiệm dân sự đặt ra khi hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đã gây ra thiệt hại, bên có hành vi vi phạm phải bù đắp những tổn thất vật chất, tinh thần do mình gây ra.
Nếu không có hợp đồng thể hiện việc uỷ quyền thực hiện sữa chữa, đây sẽ thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Nếu thiệt hại về tài sản lớn, từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.