Khoảng 13h45 ngày 12/6, chồng của bà T.T.H cùng một số người thân trong gia đình đã đến trụ sở UBND xã Thành Mỹ thì phát hiện ông Trương Văn Gương- Chủ tịch xã cùng bà H đang ở trong phòng, khóa trái cửa.
Phát hiện sự việc, chồng bà H. đã đập cửa kính đồng, thời quay clip để làm bằng chứng. Nội dung đoạn clip cho thấy, khi phát hiện vợ mình là bà H. đang ở trong phòng với ông Gương trong tình trạng “không mặc quần áo”, người chồng đã mở cửa nhưng bị khóa trong, buộc người này phải đập kính để quay clip.
Ông Gương sau đó bị người thân gia đình bà H. đánh, bà H. cũng bị mảnh kính vỡ làm bị thương. Hiện công an đã bị niêm phong phòng ông Gương, cũng như tịch thu, niêm phong cả điện thoại quay clip trên.
Liên quan đến vụ việc, ông Vũ Văn Đạt- Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cho biết: “Hiện đang chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Căn cứ vào kết luận, huyện sẽ xử lý nghiêm những cán bộ có liên quan, tuyệt đối không bao che”.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích, hành vi ngoại tình, quan hệ bất chính với đồng nghiệp tại trụ sở cơ quan là vi phạm nghiêm trọng đạo đức lối sống, người cán bộ này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật. Còn việc “đánh ghen”, gây tổn hại đến tài sản của cơ quan nhà nước thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ việc ngoại tình, đánh ghen, trong đó có cả trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức nhà nước, điều này cho thấy đã có sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức xã hội. Hành vi ngoại tình, không chung thủy không những vi phạm đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Đối với người vi phạm là cán bộ thì hành vi này là vi phạm đạo đức lối sống và cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật.
Pháp luật cho phép nạn nhân và những người khác có quyền ghi lại các bằng chứng để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, có quyền cung cấp các bằng chứng vi phạm pháp luật của người khác cho cơ quan chức năng. Trong quá trình thực hiện hành vi để ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật, có thể gây thiệt hại nhỏ hơn hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì có thể được coi là tình thế cấp thiết và được loại trừ trách nhiệm pháp lý.
Với những chứng cứ mà người chồng đã ghi hình thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ mối quan hệ với giữa ông Chủ tịch ủy ban nhân dân xã và nữ cán bộ xã này như thế nào, có quan hệ ngoài hôn nhân hay không. Việc hai người trong phòng khóa trái cửa trong phòng làm việc, ngay trong giờ hành chính và không mặc quần áo có phải là hành vi quan hệ tình dục, ngoại tình, vi phạm đạo đức lối sống cán bộ hay không.
Trong trường hợp nội dung tố cáo là đúng, các chứng cứ thể hiện qua clip, các chứng cứ khác cho thấy đã có hành vi ngoại tình, vi phạm luật hôn nhân và gia đình, vi phạm đạo đức lối sống của cán bộ thì ông Chủ tịch ủy ban nhân dân xã này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, có thể sẽ ở những mức cao như cách chức, buộc thôi việc…
Đối với người chồng, vì để ghi lại chứng cứ về hành vi ngoại tình của vợ mình và người đàn ông khác thì đây là hành vi pháp luật không cấm. Tuy nhiên, pháp luật nghiêm cấm hành vi vì ghen tuông mà xâm phạm trái pháp luật đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi thu thập thông tin, đăng tải các thông tin lên mạng xã hội được thực hiện như thế nào.
Trong trường hợp có hành vi xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, đến sức khỏe và tài sản của người khác thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm. Tùy thuộc vào hậu quả xảy ra, người “đánh ghen quá đà” sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể là bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi đập cửa kính được thực hiện như thế nào, nhằm mục đích gì và thương tích của người phụ nữ do vật gì gây ra. Trong trường hợp hành vi đập cửa kính là bất đắc dĩ, không còn cách nào khác và thiệt hại cũng không lớn, mục đích là để thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội thì có thể xác định đây là “Tình thế cấp thiết” theo Điều 23 (BLHS 2015). Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết sẽ được loại trừ trách nhiệm pháp lý.
“Trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước có được xác định là tình thế cấp thiết hay không, có mục đích cố ý làm hư hỏng tài sản hay không để làm căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp thiệt hại không lớn, người gây thiệt hại tự nguyện bồi thường, đây là hành vi trong tình thế cấp thiết để ghi lại những chứng cứ vi phạm pháp luật thì có thể sẽ không bị xử lý”, Tiến sĩ, luật sư Cường phân tích.
Điều 23: Tình thế cấp thiết
Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.