Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đang mở rộng điều tra vụ “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, liên quan vụ “hơn 40 người đào thoát khỏi casino địa ngục ở Campuchia về Việt Nam.
Công an đang tạm giữ hình sự bà Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và ông Lê Văn Danh (34 tuổi) để phục vụ công tác điều tra. Bước đầu, hai người này thừa nhận, trong 40 người nhảy sông bỏ trốn về nước có 6 người do họ đưa đi. Bà Lệ và ông Danh còn khai thêm, đã đưa rất nhiều người vượt biên trái phép sang Campuchia để vào làm việc tại các casino.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, công an tỉnh này đã báo cáo vụ việc nói trên về Bộ Công an và đề xuất tập trung điều tra đồng loạt đường dây mua bán người và đưa người xuất nhập cảnh trái phép.
“Địa ngục” trong casino
Những người trốn thoát về nước khai, có nhiều Việt đã bị đưa sang Campuchia lao động chui tại các casino.
Nhóm 40 người từ casino Rich World (ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) bơi qua sông Bình Di (huyện An Phú, An Giang) nhập cảnh trái phép về Việt Nam, hôm 18/8, đa phần tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí có một số người chỉ 16 tuổi. Họ chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc, Trung, Tây Nguyên và số ít ở miền Tây.
Khai với cơ quan chức năng, họ thừa nhận xuất cảnh trái phép sang Campuchia qua khu vực biên giới các tỉnh phía Nam. Sau đó, họ được đưa vào làm việc tại casino Rich World. Một số khác đã sang Campuchia từ trước và làm việc cho các casino do người Trung Quốc quản lý. Sau đó, họ cũng được chuyển xuống casino Rich World (đối diện tỉnh An Giang) để làm việc.
Tại đây, công việc hằng ngày của họ là làm game online và lên các trang mạng xã hội theo sự chỉ đạo của quản lý casino người Trung Quốc.
Chị Trang (22 tuổi) kể, cuộc sống trong casino ở Campuchia không khác gì địa ngục. Hằng ngày, Trang cùng chồng phải lên mạng dùng nick ảo để lừa đảo mời gọi mọi người tham gia game hẹn hò, và dụ dỗ người khác nạp tiền…
“Chồng tôi làm không đủ chỉ tiêu nên bị đánh, đưa lên lầu 8 chích điện, 3 ngày mới cho xuống. Còn tôi cũng bị bọn chúng dọa chích điện”, chị Trang nhớ lại và nói, đến khi vào casino mới biết vợ chồng mình đã “bị bán”, muốn về nước phải trả tiền phí là 2.600 USD.
Chị Trang nói thêm, người Việt trong casino phải làm từ 12 -14h, không được nghỉ ngơi, không được trả lương, ai chống cự hay làm không đủ chỉ tiêu sẽ bị bảo vệ chích điện khắp cơ thể.
Không chịu nổi cuộc sống địa ngục trong casino, nhóm 42 người Việt bàn bạc với nhau tìm cách vượt biên về Việt Nam.
Họ hẹn nhau tại một địa điểm đã thống nhất từ trước. Sau đó, chờ sự sơ hở của bảo vệ rồi đồng loạt chạy ra cổng casino, bơi qua sông Bình Di về Việt Nam. Trong 42 người thì có 1 người bị bắt lại, 1 thiếu niên 16 tuổi chìm dưới sông và được cơ quan chức năng phát hiện thi thể vào sáng 20/8.
Về đến bờ phía Việt Nam, 40 người nói trên được ngành chức năng huyện An Phú và tỉnh An Giang bố trí chỗ ở tại Nhà Văn hóa xã Đa Phước. Tại đây, họ được lo ngày 3 bữa ăn, được kiểm tra sức khỏe, test Covid-19. Đồng thời ngành chức năng cũng lấy lời khai, tiến hành các thủ tục để bàn giao họ về địa phương.
Đến thời điểm này, lực lượng công an xác định vụ việc này có dấu hiệu đường dây mua bán người nên tập trung điều tra làm rõ.
Giải cứu hàng trăm người
Trước đó, Bộ Công an đã cảnh báo tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia lao động, làm “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng…
Theo Bộ Công an, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao.
Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo…trên không gian mạng. Họ bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD.
Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.
Đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là một số người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt hiện đang hoạt động tại Campuchia.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.