Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã nhận được nhiều đơn trình báo về việc “cô đồng” Trương Thị Hương (SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) nhận tiền để làm lễ chữa bệnh cho người dân.
Theo Dân trí, Công an thị xã Kinh Môn đang kiểm tra thông tin phản ánh của bà Nguyễn Thị Lăng về việc đã đưa hàng chục triệu đồng cho “cô đồng” Trương Thị Hương để làm lễ nhưng không được việc. Ngoài bà Lăng, Công an cũng nhận được đơn của nhiều người khác tố cáo bà Trương Thị Hương, chuyên hành nghề xem bói, làm lễ. Đại diện Công an TX Kinh Môn cho biết, đã vào cuộc xác minh tin báo, trong quá trình xử lý, nếu đủ tài liệu chứng cứ theo quy định pháp luật, CQĐT sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và các biện pháp tiếp theo.
Trước đó, ngày 9/2, Công an thị xã Kinh Môn cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Trương Thị Hương về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” với mức phạt 7,5 triệu đồng. Bà Hương là cô đồng bổ cau “đúng nhận sai cãi” xem bói toán, có biểu hiện mê tín dị đoan gây sốt trên mạng xã hội.
Bà Hương đã sử dụng tài khoản Facebook “Trương Hương” đăng tải video có nội dung cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan lên mạng xã hội. Khi mọi người đến xem sẽ đưa cho bà Hương lá trầu và quả cau, sau đó bà Hương bổ quả cau, rồi phán đoán về tình duyên, tài vận, sức khoẻ, vận hạn của mọi người.
Làm việc với công an, bà Hương thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình. Đồng thời, bà Hương cho biết việc quay, phát các video có nội dung xem bói như trên đều do một mình tự làm, không có ai giúp sức.
Nhận định về vụ việc này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh làm rõ nội dung tin báo. Nếu có căn cứ cho thấy cô đồng này đã đưa thông tin sai sự thật về khả năng chữa bệnh bằng cúng bái để chiếm đoạt tài sản của người khác thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Hương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 (BLHS 2015).
Hành vi bói toán, tướng số khiến cho người khác sợ hãi, lo lắng mà phải chi phí tiền thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan khiến cho người khác sợ hãi để phải trao tài sản cho thầy bói, thầy cúng thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Người thực hiện các hoạt động để đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 (BLHS 2015).
Còn trường hợp các thầy bói, cô đồng mà đưa ra thông tin sai sự thật về bệnh tật, rủi ro của người khác và cho rằng bản thân mình có thể cúng, lễ nhằm tránh được bệnh tật rủi ro khiến cho người khác phải nộp tiền cho họ thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với chế tài cao nhất có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Sau khi nhận được đơn thư trình báo tố giác tội phạm của công dân thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành thụ lý tin báo và tiến hành xác minh theo quy định của pháp luật. Thời hạn xác minh tin báo là 20 ngày, nếu vụ việc phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không quá hai tháng. Trong quá trình xác minh, cơ quan điều tra sẽ triệu tập các đối tượng có liên quan, thu thập các thông tin trên mạng xã hội và các thông tin về việc chuyển khoản ngân hàng, giao nhận tiền hoặc thông tin từ người làm chứng để xác định có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác hay không.
Trường hợp có căn cứ cho thấy cô đồng này đã đưa thông tin sai sự thật khiến cho nạn nhân tin tưởng rồi đưa tiền để cúng lễ nhằm mục đích giải hạn, chữa bệnh thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, nếu hành vi có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì sẽ xử lý hình sự theo quy định.
Tiến sĩ Cường cũng cho rằng, theo giáo lý của đạo Phật thì không có nội dung nào ghi nhận về cúng giải hạn. Bởi vậy, các hoạt động cúng giải hạn là hoạt động mê tín dị đoan, có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Việc cúng lễ không phải là giải pháp để khiến những người cúng lễ gặp may mắn hoặc có thể xóa đi những vận hạn, rủi ro. Người nào lợi dụng vào việc cúng giải hạn, cúng lễ để chiếm đoạt tài sản của người khác thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu hành vi lợi dụng niềm tin tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng để đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác, khiến người khác sợ hãi để đưa tài sản cho người thực hiện hành vi đe dọa thì đây còn là hành vi cưỡng đoạt tài sản, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông thường những người hành nghề mê tín dị đoan thường nói dựa, nắm bắt tâm lý của nạn nhân để đưa ra những tin bịa đặt, xuyên tạc khiến cho nạn nhân sợ hãi, sau đó lại tìm cách động viên, yêu cầu nộp tiền làm lễ.
Nếu các cô đồng, thầy bói cho rằng việc cúng lễ, đặt tiền có thể chữa được bệnh thì đây là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Khám chữa bệnh là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ có những người được đào tạo, có chứng chỉ hành nghề mới được phép thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh. Hoạt động khám chữa bệnh bằng cách cúng lễ là hoạt động mê tín dị đoan và có thể là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nếu hành vi lợi dụng cúng lễ để chiếm đoạt tài sản).
Trong xã hội ngày nay nhiều người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, mê muội nên đã tin theo lời bịa đặt rồi nộp tiền cho những cô đồng, thầy bói. Sau khi nhận tiền thì những người hành nghề mê tín dị đoan này tiếp tục nắm bắt tâm lý để làm cho nạn nhân tin tưởng là đã bình an do vừa cúng lễ rồi từng bước khống chế tinh thần. Họ tiếp tục những lần khác cho đến khi nạn nhân không còn khả năng nộp tiền cúng lễ hoặc không tin vào những điều mê tín nhảm nhí thì mối quan hệ mới chấm dứt.
“Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội khiến nhiều người tan cửa, nát nhà, gia đình ly tán. Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan là lợi dụng niềm tin tôn giáo để tạo ra lo lắng sợ hãi cho nạn nhân, để nạn nhân phải nộp tiền cúng, biếu, phải bỏ tiền ra để “mua lấy sự yên tâm”, thoát khỏi nỗi sợ hãi. Bởi vậy việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan, đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn”, Tiến sĩ Cường chia sẻ.