Cô đồng với hot trend “đúng nhận, sai cãi”: Vạ miệng trên không gian mạng và những chế tài pháp lý

Xem bài viết

Công an vào cuộc vụ cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi' nóng trên mạngCông an vào cuộc vụ cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” nóng trên mạng

Chính quyền thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) sáng 8/2 vào cuộc xác minh vụ người phụ nữ tự nhận “cô đồng”, vừa ngồi bổ cau vừa nói về “lá số tử vi” của người khác với câu kết “đúng nhận, sai cãi”.

Vừa qua trên mạng xã hội lan truyền nhiều clip ghi lại hình ảnh một phụ nữ được cho là cô đồng T.H (Hải Dương) xem bói bổ cau. Trong các clip, cô đồng T.H tay bổ cau còn miệng phán những nội dung về gia đạo, công việc, tiền tài kèm câu chắc nịch “đúng nhận, sai cãi”.

Những clip này gây “bão” dư luận, thậm chí câu nói cửa miệng “đúng nhận, sai cãi” của cô đồng T.H còn nhanh chóng trở thành hot trend trên một số nền tảng như Tiktok, Facebook, Youtube….

Được biết, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đã giao cơ quan công an phối hợp với phòng ban chuyên môn vào cuộc xác minh những clip về cô đồng T.H trên mạng xã hội.

Theo đó, “cô đồng” T.H sinh sống tại phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn), đã xây dựng gia đình ở địa phương khác. Thời gian gần đây, người phụ nữ này về quê ở, trông nhà cho bố mẹ đẻ.

Cô đồng với hot trend “đúng nhận, sai cãi”: Hiện tượng hành nghề mê tín dị đoan trên không gian mạng ngày càng phổ biến và gây hệ lụy tiêu cực lâu dài đối với xã hội - Ảnh 2.

Cô đồng bổ cau xem bói (ảnh cắt từ clip)

Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Giảng viên luật hình sự (Trường Đại học Thủy Lợi) chia sẻ, pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng và tự do tin tôn giáo. Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi. Nghiêm cấm hành vi tuyên truyền những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục.

Pháp luật không cấm công dân tin theo những đức tin, tin vào thần linh thổ địa, vào các tín ngưỡng tôn giáo hoạt động hợp pháp để đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhưng niềm tin mù quáng, tin vào những vấn đề hoang đường dẫn đến ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe gây bất hòa trong xã hội thì đó là những hành vi sai trái, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức, văn hóa của người Việt Nam.

Hoạt động mê tín dị đoan thường kéo theo những hành động trục lợi tâm linh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những đối tượng hành nghề mê tín dị đoan thường nói dựa, nói chung chung để cho những người đang hoang mang suy luận, tự vận vào mình để tin tưởng, từ đó yêu cầu đưa tiền, làm lễ, biếu xén để trục lợi từ những người nhẹ dạ cả tin.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh nếu niềm tin tôn giáo vượt quá giới hạn hoặc bị lợi dụng trở thành mê tín dị đoan thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Những đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi là kiếm tiền trên nỗi sợ hãi của người khác. Các đối tượng đó dựa vào tài khéo ăn, khéo nói, dựa vào sự am hiểu về tâm lý con người và những thông tin cóp nhặt, đưa ra những thông tin mập mờ phán đoán mò khiến cho người khác tin. Sau đó đưa ra những thông tin có tính chất là đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi phải cúng lễ, biếu xén để trục lợi.

Mê tín dị đoan kết hợp với những hủ tục gây nên tác hại cho xã hội từ tư tưởng, chính trị, đạo đức nền kinh tế, đời sống. Những ảnh hưởng tiêu cực đó không phù hợp với xã hội công bằng, dân chủ, hiện đại, văn minh mà phải bị lên án, loại bỏ. Xã hội vận hành phát triển trên cơ sở khoa học, kỹ thuật, các quan điểm tư tưởng tiến bộ và có thể bị kìm hãm, bị cản trở gây bạo loạn bởi những hoạt động mê tín, dị đoan, tin vào những điều hoang đường, nhảm nhí.

Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam là tự do, được pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Tuy nhiên, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật, hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang trong dư luận xã hội, nhằm trục lợi cá nhân thì sẽ bị xử lý nghiêm minh bằng những chế tài của pháp luật.

Việt Nam có Luật tín ngưỡng tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo là tự do trong khuôn khổ pháp luật. Các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo mà không được pháp luật cho phép, có tính chất mê tín dị đoan gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tuyên truyền những điều nhảm nhí gây hoang mang trong dư luận là những hành vi rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm theo những chế tài của pháp luật.

Cô đồng với hot trend “đúng nhận, sai cãi”: Hiện tượng hành nghề mê tín dị đoan trên không gian mạng ngày càng phổ biến và gây hệ lụy tiêu cực lâu dài đối với xã hội - Ảnh 3.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Giảng viên luật hình sự (Trường Đại học Thủy Lợi)

Có thể thấy, những dịp đầu năm, các hoạt động văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh tại các địa phương diễn ra mạnh mẽ và thu hút nhiều người quan tâm. Ngoài hoạt động mang tính lành mạnh, một số người đã lợi dụng các sự kiện này để hành nghề mê tín dị đoan, bói toán. Việc hành nghề mê tín dị đoan, bói toán hiện nay không chỉ diễn ra trực tiếp mà còn diễn ra phổ biến, công khai trên cả không gian mạng.

Hoạt động mê tín dị đoan trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp trên không gian mạng gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, khiến nhiều người ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tương lai, sự nghiệp. Bởi vậy, việc quản lý hoạt động tôn giáo, đặc biệt là các hoạt động bói toán, đồng cốt, cúng lễ trên không gian mạng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi bói toán, xem tướng số hoặc các hoạt động mê tín dị đoan khác đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại điểm b (khoản 4, Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP) của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì người nào tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ (khoản 7, Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP) của Chính Phủ.

Đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc trên không gian mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo điểm b (khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP) sửa đổi bởi khoản 37 (Điều 1, Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan” theo quy định tại Điều 320 (Bộ luật hình sự 2015).

Căn cứ vào quy định trên, đối với trường hợp trường hợp cô đồng T.H. đăng clip xem bói trên mạng xã hội thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ hành vi vi phạm, nếu phát hiện có việc hành nghề mê tín dị đoan thì cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng xác định hành vi của T.H trên không gian mạng là cổ súy cho mê tín dị đoan thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt vi phạm hành chính. Nếu đã xử phạt vi phạm hành chính rồi mà còn vi phạm, tiếp tục hành nghề mê tín dị đoan thì sẽ xem xét xử lý hình sự về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan”.

“Trong trường hợp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo phải đưa ra thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên thì còn bị xem xét, xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 (BLHS 2015). Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào kết quả xác minh của cơ quan chức năng trên cơ sở các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra sẽ thu thập theo trình tự, thủ tục luật định”, Tiến sĩ Cường chia sẻ.

Điều 320: Tội “Hành nghề mê tín, dị đoan”

Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.