Tại toà, luật sư bào chữa cho rằng bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động mạnh. Luật sư nói Thạch và vợ bị hại – ông P.T.S (65 tuổi; ngụ TP Thủ Đức), là bạn học, từng chụp hình chung trong một lần gặp, không có quan hệ tình cảm. Trong khi đó, lý do vợ chồng Thạch ly hôn vì bị cáo từng bắt gặp vợ mình và ông S. nhắn tin tình cảm.
Phía bị hại lại cho rằng mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là quá nhẹ.
Bị cáo tại phiên xử phúc thẩm.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ông S. nghi ngờ vợ mình có quan hệ tình cảm với Thạch. Sáng 15-3-2019, ông S. đã mang theo dao, hũ nước tiểu tìm tới nơi làm việc của Thạch.
Thạch thấy cụ ông cầm hũ chất lỏng, nghĩ là axit nên bỏ chạy. Ông S. tạt hũ nước tiểu vào người Thạch, ngửi thấy mùi khai nên Thạch quay lại. Lúc này, ông S. rút ra một con dao, Thạch hô “có dao, có dao” rồi xông lại khống chế ông S.
Lúc này, bảo vệ nơi Thạch làm việc chạy đến can ngăn, giật con dao trên tay ông S. ném ra xa. Ông S. chạy đi nhặt con dao thì bị Thạch quật ngã rồi dùng chân đạp nhiều cái vào vùng miệng và mặt của ông S. gây thương tích 59%.
HĐXX xét thấy mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, bị hại có lỗi trước, khi có hành vi làm nhục, tấn công gây kích động bị cáo.
Mặt khác, HĐXX còn xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo khi lượng hình như gia đình có nhiều người có công với cách mạng, phạm tội lần đầu và đang nuôi cha mẹ già, con nhỏ, đã bồi thường cho bị hại số tiền 200 triệu đồng.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thạch 2 năm 6 tháng nhưng cho hưởng án treo đồng thời, bác kháng cáo của bị hại.
Xét xử sơ thẩm vụ án này, TAND quận 8 đã tuyên phạt bị cáo Thạch 2 năm 6 tháng tù. Sau phiên sơ thẩm, bị cáo đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt.