Nhiều người thắc mắc, có thể dán decal trang trí ở những vị trí nào trên xe ô tô cá nhân và những hình ảnh nào không được phép sử dụng ? Theo chuyên gia pháp luật, người dân có thể dán decal trang trí lên xe ô tô, tuy nhiên không được làm thay đổi màu sơn, nhãn hiệu ô tô so với giấy chứng nhận đăng ký xe.
Dán decal trang trí xe có thể bị CSGT phạt khi nào ?
Một cán bộ CSGT TP.HCM cho biết, căn cứ theo Điểm e, Khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/202/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình , việc chủ xe dán decal trang trí lên ô tô có sử dụng hình ảnh phản cảm như trên có thể bị xử phạt hành chính từ 5 – 8 triệu đồng về hành vi ” khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng”.
Việc chủ xe sử dụng hình ảnh phản cảm khi dán decal trang trí lên xe ô tô rồi chạy ngoài đường là hành phát tán hình ảnh khiêu dâm, kích dục nơi công cộng, CSGT có thẩm quyền xử phạt chủ xe về hành vi này. Trên thực tế, quá trình làm nhiệm vụ CSGT đã xử phạt nhiều trường hợp xe taxi, xe khách dán decal quảng cáo không tuân thủ quy định pháp luật, cán bộ CSGT phân tích.
Dán decal quảng cáo trên ô tô thế nào ?
Bên cạnh việc dán decal trang trí lên xe ô tô, theo ghi nhận của PV Thanh Niên , thời gian qua, tại TP.HCM còn xuất hiện hình thức dán decal quảng cáo lên phương tiện giao thông. Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, luật sư (LS) Lê Trung Phát (thuộc đoàn LS TP.HCM) cho biết, việc dán decal quảng cáo trên xe được quy định tại Điều 32 luật Quảng cáo năm 2012.
Theo đó, việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải đảm bảo sự an toàn cho những người xung quanh, không làm mất mỹ quan đô thị, không gây cản trở giao thông; decal quảng cáo phải có kích thước phù hợp, không dán decal quảng cáo ở phía mặt trước, mặt sau và trên nóc phương tiện.
Đồng thời sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không thuộc vào danh mục cấm quảng cáo; sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông nhằm đảm bảo hình ảnh quảng cáo không che khuất logo, biển hiệu, biển kiểm soát của phương tiện…
Theo LS Phát, nếu người dân chỉ dán decal mang tính giải trí , trang trí cho xe, không có gắn logo, thương hiệu của một nhãn hàng, dịch vụ vào nào thì không được xem là quảng cáo. Mặc dù vậy, người dân lưu ý, phần dán decal không được làm thay đổi màu sơn, nhãn hiệu ô tô so với giấy chứng nhận đăng ký xe.
Hành vi “tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe” có thể bị phạt từ 2 – 4 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 – 8 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại Điểm m, Khoản 7, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đồng thời buộc phải khôi phục lại màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe theo quy định.
Cũng theo LS Phát: “Hiện hành, pháp luật đã quy định chế tài đối với cá nhân, doanh nghiệp dán decal quảng cáo trên ô tô. Trong khi đó chưa có quy định cụ thể đối với hành vi dán decal trang trí lên ô tô nên nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ thiết kế, dán decal làm theo yêu cầu của khách hàng khiến một số hình ảnh dán trên ô tô có phần phản cảm, gây mất tập trung cho người tham gia giao thông”.
Thế nào là hành vi khiêu dâm, kích dục?
Theo Khoản 5, Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục.