Ngày 13/10, tại phiên toà xét xử vụ bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất bị đóng đinh vào đầu, ông Nguyễn Trung H. (SN 1967) ngồi ở một góc khuất theo dõi phiên xử đứa con trai mà ông dứt ruột đẻ ra – bị cáo Nguyễn Trung Huyên (SN 1992), người đã 5 lần hành hạ, giết hại đứa con gái 3 tuổi của nhân tình.
Đỉnh điểm của tội ác, ngày 17/1, Huyên đã dùng quả tạ bằng bê tông bọc nhựa đóng liên tiếp 10 chiếc đinh nhỏ dài khoảng 2,1cm vào xung quanh vùng đỉnh đầu của cháu Đỗ Ngọc Ánh, làm bé gái bị thương nặng.
Đến 22h ngày 12/3, cháu Ánh tử vong tại bệnh viện do viêm não, thoái hóa não trên diện rộng (chết não), hậu quả của vùng đầu bị tác động bởi 10 dị vật bằng kim loại xuyên qua xương, xuyên qua màng cứng, găm vào nhu mô não, dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp không hồi phục trên nạn nhân có viêm phổi, xẹp phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm gan.
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, ông H. cho hay, từ nhỏ Huyên đã chậm nói, đi khám bác sĩ nói anh ta bị điếc. Việc khuyết tật về thính giác khiến Huyên nói cũng không được tròn vành rõ chữ. Càng lớn, tính cách của Huyên càng bất trị khi hay vô cớ cáu kỉnh.
Những lúc như thế, Huyên sẵn sàng lao vào đánh em, bóp cổ mẹ. “Nó không dám đánh tôi, nhưng cũng thường xuyên chửi tôi mỗi khi nó tức tối”, lời ông H.
Dường như để tìm cách bào chữa cho tội ác của con mình, ông H. nói rằng, Huyên có biểu hiện bất thường về mặt tâm thần. Lúc này, vị Chánh án TAND TP Hà Nội đặt câu hỏi cho cha của bị cáo: “Ông thấy hành vi của con trai ông thế nào?”. Sau nhiều lần né tránh câu hỏi này của vị Chánh án, cuối cùng ông H. cúi đầu, khẽ buông câu: “Rất dã man”.
Rồi ông nhìn về phía bố và ông nội của bé Ánh đang ngồi ở hàng ghế đối diện với di ảnh bé gái xấu số được ôm trong lòng nói lời xin lỗi, ông mong “gia đình bị hại hiểu và mở lòng với gia đình chúng tôi…”
Ở hàng ghế đối diện, hai người đàn ông mất con, mất cháu ngồi lặng yên như hai pho tượng. Tấm lưng của ông nội bé Ánh còng xuống đầy nhẫn nhịn.
Là người đại diện hợp pháp cho phía bị hại, ông nội bé Ánh – ông Đỗ Hữu Chức (SN 1954, ở Thạch Thất) đặt nghi ngờ về việc con dâu cũ của mình đồng lõa với nhân tình trong việc cháu bé 3 tuổi bị bạo hành. Ông kể, ngay từ đầu, ông không đồng ý cho con trai lấy chị Luyến. Nhưng rồi con trai ông nói rằng, nếu không được lấy Luyến làm vợ, sẽ không kết hôn với ai.
3 đứa con lần lượt ra đời, bé Ánh nhỏ nhất đã phải sớm xa bố, xa gia đình bên nội để sống cùng với mẹ sau khi chị Luyến nhất mực ly hôn chồng, dọn ra ngoài ở.
Không muốn con trai và các cháu sống cảnh tan đàn xẻ nghé, ông Chức cố thuyết phục con dâu từ bỏ ý định ly dị. Ông hứa, nếu hai vợ chồng Luyến quay lại với nhau, ông sẽ nuôi cả ba đứa cháu, để vợ chồng Luyến không phải mang gánh nặng mưu sinh.
Nhưng theo lời ông Chức, cô con dâu quyết tâm ly hôn đã bỏ đi cả tháng trời, rồi cắt đứt liên lạc với gia đình chồng. Ông không thể làm gì hơn.
Tại tòa, nhiều lần ông không cầm được nước mắt mà nói rằng: “Tôi xót lắm, tôi quá nhân đạo nên cháu tôi bị mất… Cháu tôi từng nói “ông ơi cho cháu ở lại, đừng để cháu đi”. Tôi nghĩ lại lời cháu tôi mà ân hận quá”.
Tình yêu tăm tối
Sống chung với cha mẹ không êm ấm, Huyên dọn ra ở riêng và gặp rồi yêu người phụ nữ mới ly hôn chồng, đã có 3 đứa con là chị Nguyễn Thị Luyến. Chị Luyến cùng nhân tình và đứa con gái nhỏ 3 tuổi sống trong một căn nhà trọ ở huyện Thạch Thất.
Hàng ngày, hai người đi làm ở hai xưởng mộc để mưu sinh. Nhiều lúc chị Luyến để con ở nhà một mình với nhân tình. Và đó là khoảng thời gian như địa ngục đối với bé Ánh. Cô bé bị người tình của mẹ đổ bột keo khô vào mũi, ép uống thuốc sâu, đánh gẫy tay, bắt nuốt đinh vít và bị đóng 10 cái đinh vào đầu.
Từ một cô bé nhanh nhẹn hoạt bát, Ánh trở nên nhút nhát và đặc biệt rất sợ Huyên. Vậy nhưng tại tòa, chị Luyến khai rằng, những bất thường của con chị không hề hay biết nguyên nhân.
Vị Chánh án công bố một trong số các lời khai của Huyên tại cơ quan điều tra. Tại lời khai này Huyên thừa nhận, chị Luyến biết rõ việc anh ta hành hạ bé Ánh, nhưng vì hai người quá yêu nhau, chị Luyến đành “làm ngơ”. Tại toà Huyên liên tục phủ nhận lời khai này. Bị cáo cho rằng chị Luyến không hề biết chuyện.
Bị thẩm vấn, những lúc nghe không rõ câu hỏi, bị cáo hốt hoảng đứng lên nói: “Tôi muốn kháng cáo”, khiến cán bộ công an ngồi cạnh phải giải thích rằng, HĐXX chỉ đang hỏi bị cáo có muốn tranh luận gì không, không ai nhắc gì đến chuyện Luyến biết việc anh ta làm…
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phía bị hại đưa ra những lập luận cho rằng, thật khó tin khi con gái nhỏ liên tục phải nhập viện mà người mẹ không tìm hiểu rõ căn nguyên.
Luật sư cũng phân tích về tin nhắn của chị Luyến gửi cho người thân với nội dung: “Chị ơi, em muốn tự tử”, rồi tin nhắn chị Luyến gửi cho Huyên: “Nếu anh bỏ em, em sẽ không thể nào sống được… Dù chuyện gì xảy ra, em vẫn yêu anh”.
Theo luật sư, có thể lúc đó chị Luyến phải đấu tranh về việc cần bảo vệ người tình mà mình rất yêu, dù chị đã chứng kiến việc con mình bị hành hạ; chị phải đấu tranh vì tương lai đứa con của chị với bị cáo Huyên còn đang nằm trong bụng.
Đối với đề nghị của luật sư cho rằng chị Luyến có dấu hiệu của tội Che dấu tội phạm hoặc Không tố giác tội phạm, HĐXX cho rằng, tại tòa, HĐXX đã thẩm vấn kỹ chị Luyến và người liên quan, nhưng chưa đủ cơ sở để khởi tố chị Luyến về hành vi trên.
Tuy nhiên, những tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy, còn một số lời khai mâu thuẫn, để tránh bỏ lọt tội phạm, HĐXX kiến nghị CQĐT làm rõ hành vi của người mẹ.