Theo nguồn tin từ báo Lao Động, trong đơn, anh Tuấn trình bày: “Theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 07/8/2018, có hiệu lực kể từ ngày 20.9.2018 về các điều kiện được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Đặt tiền để bảo đảm” để thay thế biện pháp “Tạm giam” quy định tại Điều 122 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01.01.2018, tôi nhận thấy mẹ tôi có hội đủ các điều kiện như sau: Mẹ tôi phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án gì; Có địa chỉ cư trú rõ ràng; Trước khi bị bắt có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện.
Từ khi bị bắt đến nay, mẹ tôi cũng đã thành khẩn nhận sai và cam kết không vi phạm, nhiều lần tự viết đơn xin được tại ngoại để điều trị bệnh và cam kết không tái diễn hành vi livestream trên mạng xã hội…; Hành vi của mẹ tôi không thuộc các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Ngoài ra, hiện tại mẹ tôi cũng đang phải điều trị nhiều bệnh như: cao huyết áp, rối loạn lo âu, rối loạn lipid máu, mất ngủ kéo dài, u xơ tử cung… phải thường xuyên uống thuốc điều trị gần chục năm nay. Đồng thời, mẹ tôi còn phải chăm sóc mẹ già hơn 80 tuổi, con nhỏ và là người điều hành hoạt động doanh nghiệp với rất nhiều người lao động”.
Từ các lý do nêu trên, anh Tuấn có đơn xin được đặt tiền 10 tỉ đồng để thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam cho bị can Nguyễn Phương Hằng cho đến khi kết thúc vụ án.
Trước đó, ngày 5/10, ông Tuấn cũng đã có đơn gửi các cơ quan tố tụng ở TP.HCM xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mẹ và xin được bảo lãnh cho bà Phương Hằng tại ngoại để điều trị bệnh.
Vừa qua, vào tháng 9/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng về tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Cơ quan chức năng Bình Dương đã kết luận giám định hàng chục buổi livestream (phát sóng trực tiếp) của bà Nguyễn Phương Hằng trong thời gian hai năm 2021, 2022, trong đó xác định các buổi livestream này “có chứa nội dung xúc phạm, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân”.
Các cá nhân đứng đơn tố cáo bà Phương Hằng cũng đã được cơ quan điều tra gửi văn bản, mời làm việc để thông báo về nội dung kết thúc điều tra vụ án.
Sáu cá nhân có đơn tố cáo bà Phương Hằng được Công an tỉnh Bình Dương thụ lý gồm: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, Công Vinh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển và bà Đinh Thị Lan.
Các hành vi bà Phương Hằng bị các cá nhân tố cáo gồm đưa tin sai sự thật, vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân…
Trước đó, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Phương Hằng.