Đưa người quen vào bẫy

Xem bài viết

TAND TP HCM vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Bá Nhựt (SN 1991; TP HCM). Nhựt bắt đầu kinh doanh dịch vụ cho thuê ôtô từ tháng 8-2017, quá trình kinh doanh bị thua lỗ, Nhựt vẫn tiếp tục ký hợp đồng thuê ôtô mới của nhiều người với giá từ 8-20 triệu đồng/tháng.

Giám đốc trẻ tung chiêu lừa

Để có tiền trả thuê xe, Nhựt vay tín dụng đen với lãi suất cao. Sau đó, Nhựt nảy sinh ý định thuê ôtô mang đi cầm cố lấy tiền trả nợ. Nhằm tạo lòng tin với các chủ ôtô đắt tiền, tháng 4-2019, Nhựt thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Lê An (Công ty Lê An), sử dụng pháp nhân này để ký hợp đồng thuê xe.

Sau đó, Nhựt đã đem hơn 20 ôtô thuê được từ người quen cầm cố cho 2 người quen khác tại quận Bình Thạnh và quận 1 (TP HCM) là N.T.H và H.M.T.N để vay tổng số tiền 3,2 tỉ đồng.

Quá thời hạn thuê không thấy Nhựt đem xe trả, nhiều chủ xe đòi nhưng giám đốc trẻ cứ hẹn lần lữa. Không chịu nổi, họ đã đến cơ quan công an trình báo. Sau đó, các nạn nhân mới “ngã ngửa” trước chiêu lừa này.

Đưa người quen vào bẫy - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Bá Nhựt tại tòa

Tại tòa, N.T.H khai khi nhận cầm cố xe từ Nhựt có làm giấy biên nhận viết tay. Tuy nhiên, do Nhựt nhiều lần viện lý do phải bảo trì xe, yêu cầu cho đổi xe khác nên N.T.H không nhớ rõ đã cầm cố những xe nào. Ngoài ra, N.T.H còn giới thiệu cho Nhựt cầm cố ôtô cho một người Campuchia không rõ lai lịch.

H.M.T.N khai cho Nhựt vay 2,85 tỉ đồng và nhận 6 ôtô từ Nhựt để bảo đảm khoản vay. Khi Nhựt bị bắt, H.M.T.N đã giao cho cơ quan điều tra 4 ôtô. Còn 2 ôtô H.M.T.N khai cho 2 người khác thuê lại nhưng những người này phủ nhận. H.M.T.N còn giới thiệu cho Nhựt cầm cố 5 ôtô khác cho một người Campuchia.

Kết quả giám định hơn 20 xe đắt tiền mà Nhựt đem đi cầm cố có tổng trị giá hơn 13,3 tỉ đồng. Tại tòa, bị cáo thừa nhận không còn khả năng trả nợ và giải chấp trả lại cho chủ sở hữu các xe này.

Tòa nhận định đối với hành vi nhận cầm cố ôtô của N.T.H và H.M.T.N không bị xử lý hình sự do họ không biết Nhựt cầm cố ôtô để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc nhận cầm cố xe không chính chủ, không có giấy phép kinh doanh cầm cố phải bị xử lý vi phạm hành chính.

Đối với bị cáo Nhựt, HĐXX xét thấy hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm tới tài sản của người khác, gây mất trật tự xã hội nên cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, tòa quyết định tuyên phạt bị cáo 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Mời góp cổ phần để trả nợ

Tháng 8-2013, Trịnh Lợi Tú (SN 1967, TP HCM) làm nghề kinh doanh tự do, vay của bà Huỳnh Thu Tr. 700 triệu đồng, lãi suất 2%-3%/tháng. Tuy nhiên, Tú trả tiền lãi cho bà Tr. được 2 tháng thì không trả nữa. Cuối năm 2013, bà Tr. yêu cầu Tú trả lại tiền đã vay nhưng Tú không trả mà nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của bà Tr. Trịnh Lợi Tú nói với bà Tr. sẽ trả lại tiền đã vay bằng cổ phần của Tú đã góp vốn tại một văn phòng công chứng ở huyện Củ Chi (TP HCM). Đồng thời nói với bà Tr. nếu góp được 1,5 tỉ đồng sẽ được tặng cổ phiếu, cứ 500 triệu đồng cổ phần được tặng thêm 100 cổ phiếu (trị giá 300 triệu đồng) và Tú sẽ chuyển nhượng lại cổ phần của Tú có giá trị tương đương với số tiền đã vay của bà Tr.

Từ đầu năm 2014 đến tháng 3-2015, bà Tr. tiếp tục đưa cho Tú với tổng số tiền là 3,1 tỉ đồng (tổng cộng Tú đã nhận tiền của bà Tr. là 3,8 tỉ đồng). Lúc này, Tú đưa cho bà Tr. “Bảng giao dịch chi tiết” khách hàng tên Huỳnh Thu Tr., ghi giá 5 tỉ đồng (1.100 cổ phiếu) khiến bà Tr. tin là bà có 5 tỉ đồng và được tặng 1.100 cổ phiếu tương đương 3,3 tỉ đồng.

Đến giữa năm 2015, bà Tr. đến một phòng công chứng khác để tìm hiểu thì được biết “Bảng giao dịch chi tiết” này không có giá trị nên làm đơn tố cáo Tú lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với hành vi này, đại diện VKSND TP HCM đề nghị tòa tuyên bị cáo mức án từ 15-16 năm tù.

Bào chữa cho mình, bị cáo cho rằng không lừa đảo đối với bà Tr., đưa ra nội dung 2 cuộc ghi âm giữa bị cáo và bị hại. Tuy nhiên, đại diện VKSND cho rằng nội dung này không liên quan đến vụ án nên không có cơ sở chấp nhận lời trình bày của bị cáo.

Sau khi nghị án, HĐXX đã bác bỏ lời khai không thừa nhận hành vi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bị cáo. Tòa án nhận định bị cáo đã vay tín chấp (lãi suất 2%-3%/tháng) của bị hại tổng số tiền 1,45 tỉ đồng. Tổng số tiền bị hại đưa cho bị cáo mua, góp cổ phần, hưởng cổ phiếu ưu đãi tại văn phòng công chứng là 2,35 tỉ đồng. Bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của bị hại nhiều lần, mỗi lần chiếm đoạt đều trên mức định khung cơ bản quy định tại điều 139 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Tú 12 năm tù, buộc trả lại cho bị hại số tiền 2,35 tỉ đồng; tách vấn đề vay tiền tín chấp giữa 2 bên để giải quyết trong một vụ án khác khi bị hại có yêu cầu khởi kiện.