Hai cán bộ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chiếm đoạt hơn 86 tỉ đồng: Khung hình phạt cao nhất là tử hình

Xem bài viết

Theo điều tra ban đầu, Hoàng Quang Huy (SN 1989, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và Lâm Thị Hồng Tâm (SN 1973, Thủ quỹ của trường) đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt số tiền hơn 86 tỷ đồng.

Năm 2021, Tâm nhờ Huy lấy 500 triệu đồng từ quỹ của Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng để giải quyết việc cá nhân. Do quỹ tiền mặt của trường không đủ, Tâm nhờ Huy cho rút tiền từ tài khoản ngân hàng của trường và được đồng ý.

Bằng nhiều thủ đoạn, Tâm và Huy đã thông đồng, nhiều lần rút tiền của trường để tiêu xài cá nhân và chuyển cho một số đối tượng khác với số tiền hơn 86 tỉ đồng.

Hai cán bộ trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chiếm đoạt hơn 86 tỉ đồng: Khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình - Ảnh 1.

Cơ quan công an tống đạt quyết định bắt tạm giam Hoàng Quang Huy (ảnh TL)

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, hành vi của hai cán bộ trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng là rất liều lĩnh, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và vi phạm pháp luật hình sự. Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các bị can phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Theo quy định của pháp luật, người nào có chức vụ quyền hạn và được cơ quan, tổ chức giao cho quản lý tài sản nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt số tiền, tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Tham ô tài sản”. Đây là tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ nên hình phạt rất nghiêm khắc.

Trường hợp số tiền chiếm đoạt từ 1 tỉ đồng trở lên thì hình phạt sẽ là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, số tiền bị chiếm đoạt trên 86 tỉ đồng nên hình phạt mà các đối tượng này phải đối mặt có thể là tù chung thân hoặc tử hình. Đây là cái giá phải trả rất đắt cho hành vi coi thường pháp luật.

Trong quá trình điều tra này vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, làm rõ trách nhiệm liên đới của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Cần làm rõ tại sao sự việc chiếm đoạt tiền của nhà trường xảy ra một thời gian dài mà đến nay mới phát hiện? Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, giám sát tài chính của cơ sở giáo dục này để xem xét trách nhiệm cũng như để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, tránh những trường hợp vi phạm tương tự có thể xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường, quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên, cán bộ và sinh viên.

Hai cán bộ trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chiếm đoạt hơn 86 tỉ đồng: Khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình - Ảnh 2.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhận định, vụ án sẽ là một bài học trong công tác quản lý tài chính ở các cơ sở giáo dục

Theo quy định của pháp luật thì những người giúp sức, xúi giục cho người khác thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm. Bởi vậy, ngoài hai bị can đã bị khởi tố thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có ai giúp sức, xúi giục cho các bị can này thực hiện hành vi phạm tội hay không.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ số tiền mà các bị can chiếm đoạt được tiêu thụ, sử dụng như thế nào. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã biết số tiền này là do phạm pháp mà có nhưng vẫn chứa chấp, sử dụng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Bên cạnh đó, người nào biết số tiền này là do phạm tội mà có nhưng vẫn đã đưa vào kinh doanh, giao dịch để che giấu nguồn gốc tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Rửa tiền”.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ có đồng phạm hay không; có người khác phạm tội khác hay không để giải quyết triệt để vụ án này, đồng thời truy thu số tiền mà các bị can đã chiếm đoạt để trả lại cho nhà trường.

“Vụ án sẽ là bài học trong công tác quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục nói riêng và trong các cơ quan nhà nước nói chung. Đồng thời cũng là bài học cho những cán bộ coi thường pháp luật, liều lĩnh khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản do mình quản lý. Vụ việc cũng cho thấy vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất, thiếu tu dưỡng rèn luyện bản lĩnh chính trị, thiếu đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến cơ quan tổ chức mà mình đang công tác”, luật sư Cường chia sẻ.

Điều 353. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

………………

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;