Liên quan tới vụ truy sát gia đình nhà vợ khiến 3 người thương vong, theo lãnh đạo xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), nghi phạm gây án được xác định là Hoàng Văn Phi (38 tuổi, trú tại xã Xuân Giang, Sóc Sơn).
Khoảng 10h ngày 9/1, Phi đã cầm dao sang nhà bố vợ là ông H (SN 1958, trú tại xã Đức Hòa) để gây án. Tại đây, đối tượng xông vào nhà chém ông H, con trai ông H và cháu M. (SN 2020, là cháu nội ông H) khiến 3 trọng thương. Mặc dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, cháu M. đã tử vong.
Theo Báo CAND, từ đầu năm 2021, Phi thường xuyên mâu thuẫn cãi nhau với vợ. Ngày 7/1, do bị đau đầu, Phi nghi ngờ vợ cho thuốc độc vào nước hại mình và cho rằng gia đình nhà vợ xúi giục nên khoảng 9h45’ ngày 9/1, đối tượng đi xe máy một mình, mang theo dao loại bản to chặt xương đến nhà bố vợ.
Khi đến nơi, thấy ông H đứng ở sân, Phi dùng dao chém vào đầu bố vợ và chém liên tiếp vào đầu cháu M. đang đứng ở gần đó. Thấy cháu nội bị chém, bất chấp đau đớn bởi vết thương, ông H lao đến ngăn cản thì bị Phi quay lại chém thêm 2 phát nữa.
Anh Nguyễn Quốc D (SN 1989, con ông H), từ trong nhà chạy ra cũng bị Phi dùng dao chém vào đầu. Anh D bỏ chạy vào phòng ngủ liền bị Phi đuổi theo chém vào sau gáy. Khi hai bên đang giằng co thì người dân đã xông vào giằng được dao của Phi. Nhận được tin, Công an huyện Sóc Sơn đã đến hiện trường cùng người dân khống chế, bắt giữ đối tượng.
Nói về vụ án đau lòng này, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, cuộc sống ngày nay, với sự tác động của mạng xã hội cũng như nền kinh tế thị trường đã khiến có những trường hợp cốt lõi đạo đức, giá trị sống truyền thống bị đẩy lùi. Điều này đã khiến một số người sống vì lợi ích cá nhân nên khi phát sinh mâu thuẫn, họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc và không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.
Diễn biến sự việc cho thấy hành vi của đối tượng rất quyết liệt, có sự chuẩn bị tính toán, suy nghĩ từ trước, ra tay rất tàn nhẫn, với mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân nên kẻ thủ ác sẽ bị xử lý hình sự về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 1 (Điều 123, BLHS 2015) với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Có tính chất côn đồ; giết từ 02 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi. Bởi vậy, hình phạt mà đối tượng này phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình
Ngoài trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật thì đối tượng này có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc trước khi nạn nhân tử vong, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật và một khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ sở.
Có thể thấy rằng, thời gian qua liên tục xảy ra các vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm, các đối tượng gây án thường có tính côn đồ, máu lạnh, ích kỷ, có tính thù vặt. Khi không thỏa mãn được nhu cầu của mình, tình cảm không được đáp ứng thì nảy ghen tuông, bực tức, thù hận và tìm cơ hội để trả thù, sát hại nạn nhân và người thân của nạn nhân.
Để giảm thiểu những vụ án mạng đau lòng như vậy thì ngoài việc xử lý nghiêm minh, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội thì cần phải tăng cường các biện pháp giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức nhân cách, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ. Kịp thời phát hiện giải quyết các mâu thuẫn dân sự trong đời sống xã hội để tránh những xung đột, mâu thuẫn âm bị kéo dài và không lối thoát dẫn đến bi kịch xảy ra.
Chỉ khi nào đạo đức xã hội được nâng lên, tính ích kỉ tham lam, bần tiện trong con người giảm đi, con người giao tiếp với nhau có đạo đức, nhân văn, hướng thiện, ý thức tôn trọng người khác được đề cao thành nét văn hóa thì mới giảm thiểu được những vụ án đau lòng như thế này.
Cũng theo luật sư Anh, có thông tin cho rằng, Phi có những biểu hiện không bình thường, do vậy cơ quan chức năng cần phải giám định tâm thần để xác định đối tượng này có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Theo đó, sẽ có ba trường hợp có thể xảy ra: Một là, đối tượng hoàn toàn bình thường tại thời điểm gây án; Hai là, đối tượng mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; Ba là, đối tượng bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, Phi sẽ phải chịu tội như những người bình thường. Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, tức là khi sát hại nạn nhân, Phi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì đối tượng này không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, căn cứ Điều 21 (Bộ luật Hình sự 2015): “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Còn nếu rơi vào trường hợp thứ ba, tức là Phi chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc vẫn còn đầy đủ khả năng nhận thức nhưng do sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến ảo giác nên thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
“Pháp luật quy định trường hợp sử dụng ma túy, rượu bia hoặc chất kích thích khác dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc hạn chế khả năng nhận thức, sau đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Anh nói.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi
n) Có tính chất côn đồ;
…………..