Trong lá đơn kêu cứu gửi tới Báo Sức khỏe và Đời sống, bà Trần Thị Nhì (SN 1952, trú tại thôn Kiều Thượng, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng) cho biết, gia đình bà đang quản lý và sử dụng 290m2 đất tại thôn Kiều Thượng, xã Quốc Tuấn (thửa đất số 112, tờ bản đồ số 15). Mảnh đất này là một phần của thửa đất diện tích ban đầu là 650m2 thuộc xứ đồng Khu Dộc Nải Ngõ Sơn, do cha ông nhà chồng để lại.
Năm 1972, hợp tác xã đào mương dẫn nước tưới tiêu, chạy qua nhà đất thổ cư của gia đình chồng bà Nhì. Vì vậy, gia đình chồng bà Nhì được chính quyền cấp bù cho thửa đất 650m2 nêu trên. Là con lớn trong gia đình nên năm 1980, vợ chồng bà Nhì được bố mẹ chia cho 290m2 để quản lý và sử dụng riêng.
Tới năm 2004, chính quyền xã lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho gia đình (trong đó bố chồng bà đứng tên 360m2, vợ chồng bà đứng 290m2), hồ sơ được Hội đồng Quản lý ruộng đất xã Quốc Tuấn xét duyệt và đã được UBND huyện An Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư. Kể từ đó, gia đình bà Nhì quản lý, sử dụng ổn định thửa đất cho tới nay và không xảy ra tranh chấp với bất cứ ai. Gia đình cũng không được nhắc là GCNQSDĐ đã cấp có sai sót.
Năm 2018, chồng bà Nhì không may mắc bạo bệnh qua đời, không để lại di chúc. Sau đó, gia đình đã liên hệ văn phòng công chứng An Dương lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phần quyền sử dụng đất của chồng bà Nhì. Văn phòng công chứng An Dương đã gửi văn bản khai nhận thừa kế đến UBND xã Quốc Tuấn thực hiện niêm yết.
Theo thông tin từ UBND xã Quốc Tuấn (huyện An Dương, Hải Phòng), ngày 18/1/2022, UBND xã Quốc Tuấn nhận được yêu cầu niêm yết thông báo về nội dung phân chia thừa kế của gia đình bà Nhì. Tới ngày 10/2/2022 sau khi hết thời gian niêm yết, chị Nguyễn Thị Nhung (con gái bà Nhì) đã đến xin kết quả niêm yết văn bản. Bộ phận một cửa của xã Quốc Tuấn đã tiến hành xác nhận theo quy định. Ngoài ra có thêm ý kiến về nội dung: “Nguồn gốc của thửa đất chưa rõ ràng”.
Để xác minh nguồn gốc thửa đất trên, UBND xã Quốc Tuấn đã làm việc với các nhân chứng là: Ông Nguyễn Văn Đương (nguyên Đội trưởng Đội sản xuất số 12, giai đoạn 1980-1986 và bà Nguyễn Thị Kha (nguyên kế toán trưởng thôn Nhu Thượng); ông Nguyễn Văn Vinh (nguyên cán bộ địa chính xã Quốc Tuấn) thời điểm năm 2004. Ông Vinh tự nhận là đã sai khi không có hồ sơ cấp bù đất năm 1972, chỉ dựa vào lời khai của các cụ cao niên trong làng khi lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho bà Trần Thị Nhì.
Trao đổi với PV về vụ việc trên, Luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật TNHH Tiền Phong (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Trần Thị Nhì) cho rằng, về nội dung xác nhận niêm yết, cần phải thực hiện theo khoản 2, khoản 3 (Điều 18, Nghị định 29/2015/NĐ-CP) của Chính phủ. Theo đó:
“2. Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.”
Xác nhận của đại diện UBND xã Quốc Tuấn trong văn bản niêm yết về thừa kế chỉ được trong phạm vi: “Có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản hay không”.
Việc UBND xã Quốc Tuấn có thêm ý kiến: “Nguồn gốc thửa đất chưa rõ ràng” đối với việc phân chia thừa kế của gia đình bà Nhì là không đúng với Nghị định trên của Chính phủ. UBND xã Quốc Tuấn đang lẫn lộn giữa thủ tục đất đai và thủ tục hành chính trong việc xác nhận niêm yết văn bản khai nhận thừa kế.
Có thể thấy, hai thửa đất mà gia đình bà Trần Thị Nhì và gia đình ông Nguyễn Văn Lãnh được cấp GCNQSDĐ cùng có chung nguồn gốc là ông cha để lại. Theo đó, thông tin thửa đất của bà Trần Thị Nhì như sau: Diện tích 290m2, số vào sổ 3376, số phát hành của tổng cục QLRĐ:640, số quyết định cấp giấy chứng nhận 15-112, thời hạn sử dụng: Thổ cư, lâu dài (nguồn gốc do cha ông để lại). Thông tin nguồn gốc này cũng phù hợp với hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho hai bố con. Như vậy, xét về nguồn gốc đất là hoàn toàn rõ ràng và thống nhất trong hồ sơ, nhận định của UBND xã Quốc Tuấn là chưa chính xác.
Cũng theo luật sư Liên, năm 1972, HTX lấy đất thổ cư của gia đình ông Lãnh để đào mương là có thật, chính quyền cấp bù đất nhưng nay không còn lưu hồ sơ. Nhưng xã xác minh xong vẫn không có cứ liệu xác định diện tích đất thổ cư chính quyền cấp bù cho gia đình ông Lãnh. Vậy nhưng UBND xã Quốc Tuấn lại báo cáo lên UBND huyện An Dương đề nghị xem lại hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Nhì là không đúng.
Cụ thể, người được xã lấy lời khai là ông Nguyễn Văn Đương (nguyên Đội trưởng đội sản xuất số 12, giai đoạn 1980-1986), thời điểm này cách thời điểm chính quyền cấp bù đất cho gia đình bà Nhì đến 8 năm trước đó. Ông Đương lại làm ở đội sản xuất, làm sao nắm rõ được chính sách cấp bù đất của xã Quốc Tuấn năm 1972?
Tiếp đó là nhân chứng Nguyễn Thị Kha (nguyên kế toán trưởng thôn Nhu Thượng). Trong các báo cáo của UBND xã Quốc Tuấn không nói rõ bà Kha làm từ năm nào đến năm nào. Mặt khác, vị trí công việc Kế toán trưởng của thôn thì có thể nắm được chính sách cấp bù đất của xã hay không? Căn cứ nào để xác định lời khai của bà Kha là chính xác, khách quan?
Nhân chứng nữa là ông Nguyễn Văn Vinh (nguyên cán bộ địa chính xã Quốc Tuấn) thời điểm năm 2004. Ông Vinh khai không có hồ sơ cấp bù đất năm 1972, chỉ dựa vào lời khai của các cụ cao niên trong làng khi lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Nguyễn Văn Lãnh và gia đình bà Trần Thị Nhì. Việc không có hồ sơ xã đã xác nhận. Nhưng hồ sơ cấp GCNQSDĐ ông Vinh lập, không phải do một mình ông Vinh duyệt.
Hồ sơ đã được Hội đồng ruộng đất xã Quốc Tuấn thời điểm đó duyệt, lên cấp huyện phải qua Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, xác minh, UBND huyện An Dương mới cấp GCNQSDĐ theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Sau khi cấp GCNQSDĐ, việc chỉnh lý, cập nhật hồ sơ đất đai là do cán bộ thực hiện, không phải do người dân.
Nếu hồ sơ địa chính xã Quốc Tuấn chưa được cập nhật sau khi cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Nhì thì phải cập nhật, không thể kiến nghị xem xét lại việc cấp GCNQSDĐ của bà Nhì khi không có căn cứ việc cấp GCNQSDĐ là sai quy định.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân, đề nghị UBND thành phố Hải Phòng, UBND huyện An Dương sớm vào cuộc xác minh, giải quyết vụ việc theo đúng quy định.