Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Minh Quang (45 tuổi, quê Thừa Thiên – Huế, tạm trú tỉnh Lâm Đồng) và Cao Thị Thu Bích (39 tuổi, ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) về tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt”. Cả hai đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Hai bị can này bị ông N (ngụ tỉnh Thừa Thiên – Huế) tố cáo đã gây nên chết của cháu M.Q. (3 tuổi, con trai ông N).
Theo trình bày của ông N, gia đình có quen biết ông Quang thông qua việc chơi cây cảnh. Khi đó, ông Quang giới thiệu từng chữa khỏi bệnh cho các em nhỏ bị chậm phát triển. Mức phí chữa bệnh mà gia đình phải trả cho ông Q nếu muốn chữa bệnh cho con là 200 triệu đồng/tháng, thời gian điều trị từ 2- 3 năm và gia đình phải ứng trước số tiền là 600 triệu đồng.
Ngày 3/3/2022, ông N đưa con vào TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) giao cho ông Q để người này chữa trị. Ngày 8/3/2022, ông Quang gọi điện yêu cầu gia đình ông N test COVID cả nhà rồi gửi cho mình. Khi gửi kết quả cả nhà âm tính thì ông Quang báo với anh N là cháu bé bị COVID từ đêm 3/3/2022 (tức là ngày ông Quang nhận cháu) và ekip của ông có mấy người bị nhiễm. Đến ngày 11/3/2022, ông Quang báo là test lại thì cháu đã âm tính.
Ngày 27/3/2022, ông Quang điện thoại nói mình đang ở Huế và hẹn ông N đi uống cà phê. Tại đây, ông Quang thông báo cháu bé đã mất và sai bà Bích lấy một hũ đựng tro cốt từ trên xe ô tô đưa cho anh N.
Thấy cái chết của con có dấu hiệu bất thường, gia đình ông N đã gửi đơn đến cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, việc cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Bình và bà Bích về tội “Xâm phạm thì thể, hài cốt là có căn cứ”. Tuy nhiên có thể đây cũng chỉ là bước đầu để làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu bé.
Theo quy định, pháp luật không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân mà còn bảo vệ sự toàn vẹn thi thể, bảo vệ mồ mả, hài cốt của công dân sau khi chết. Quy định này nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán, văn hóa của người Việt Nam.
Hành vi xâm phạm thi thể của người khác sẽ dẫn đến buồn đau, bức xúc, phẫn nộ đối với người thân của họ, ảnh hưởng đến tâm linh, niềm tin tôn giáo của những người khác còn sống, làm ảnh hưởng đến đạo đức, văn hóa của người Việt Nam. Vì vậy Bộ luật hình sự quy định hành vi xâm phạm thì thể, xâm phạm mồ mả, xâm phạm hài cốt là vi phạm pháp luật, người thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định.
Hành vi tự ý đốt xác của cháu bé, không theo phong tục, tập quán của địa phương là hành vi xâm phạm thi thể của nạn nhân. Theo phong tục của người Việt Nam, việc mai táng người chết có thể được thực hiện theo phong tục về địa táng hoặc hỏa táng. Dù theo phong tục nào thì vẫn phải hương khói, cúng lễ, có người đưa tiễn, việc hỏa táng phải theo quy định của pháp luật, đảm bảo đúng tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo vệ sinh môi trường.
“Với thông tin ban đầu là đối tượng đã cho thi thể cháu bé vào sô sắt rồi dùng xăng để đốt xác là không theo phong tục tập quán nào cả. Hành vi này đã xâm phạm đến thi thể của cháu bé nên việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối tượng này về tội xâm phạm thi thể là có căn cứ. Hành vi này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản 2 (Điều 319, BLHS 2015).
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật. Đối với những người biết việc cháu bé tử vong, giúp sức cho đối tượng đi đốt xác thì cũng sẽ xử lý về tội “Xâm phạm thi thể” với vai trò đồng phạm”, Ts.Ls Cường phân tích.
Luật sư cũng cho rằng, đây chỉ là bước đầu của một vụ án hình sự, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục tiến hành làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong, làm rõ diễn biến hành vi xâm phạm thi thể cháu bé, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều đáng chú ý nhất trong vụ án này là vì sao cháu bé tử vong, cháu bé có mắc COVID-19 như nội dung khai báo của đối tượng gây án hay không. Nếu cháu bé mắc bệnh và tử vong thì cơ sở y tế ở địa phương có biết hay không, có đưa vào thông tin danh sách về người mắc bệnh và tử vong do COVID-19 hay không?
Nếu đối tượng thực hiện hành vi điều trị tự kỷ cho cháu bé không khai báo về tình hình sức khỏe, bệnh tật của cháu bé, cũng không khai báo về việc cháu bé tử vong với chính quyền địa phương, với cơ quan chức năng thì chắc chắn sự việc có uẩn khúc.
Thêm vào đó, đối tượng này không bàn giao thi thể của nạn nhân cho cơ quan chức năng hoặc cho gia đình mà lại tự ý lén lút mang đi thiêu như vậy thì rõ ràng ở đây có một sự khuất tất, mờ ám cần phải làm rõ nguyên nhân động cơ của sự việc này.
Do cháu bé đã được hỏa táng, hiện chỉ còn lại tro cốt nên rất khó xác định nguyên nhân tử vong nếu là trường hợp bị đánh đập, bị hành hạ. Tuy nhiên, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tài liệu chứng cứ khác để xác định sự thật, đặc biệt là khi đã khởi tố bị can đối tượng thì cơ hội điều tra, làm rõ bản chất sự việc sẽ thuận lợi hơn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trên cơ sở thu thập các chứng cứ dấu vết để lại trên hiện trường vụ án, lấy lời khai của người làm chứng, thu thập thông tin từ phía các cơ quan chức năng thì cơ quan điều tra sẽ sớm làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án nay.
Việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “Xâm phạm thi thể” chỉ là bước đầu, làm căn cứ mở rộng điều tra, xác định trách nhiệm của các đối tượng khác có liên quan và làm rõ có hành vi giết người hay không.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hợp đồng điều trị trẻ tự kỉ này được thỏa thuận và thực hiện như thế nào. Trong trường hợp đối tượng không có chức năng nhiệm vụ, không có thẩm quyền phải không có khả năng điều trị trẻ tự kỉ nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối để nhận tiền thì cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 (BLHS 2015). Nếu số tiền bị chiếm đoạt trên 500.000.000 đồng thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, tội “Giết người” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là những tội danh mà cơ quan điều tra sẽ làm rõ. Nếu có căn cứ cho thấy hành vi của đối tượng trong vụ án này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của hai tội danh trên thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố vụ án hình sự, bổ sung quyết định khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật.
“Đối với hành vi xâm phạm thì thể thì mức hình phạt cao nhất đến 7 năm tù. Đó là những chế tài rất nghiêm khắc của pháp luật, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nếu phát hiện sai phạm đến mức xử lý hình sự thì sẽ khởi tố bổ sung để xử lý các đối tượng”, luật sư Cường chia sẻ.
Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.