Theo trình bày của anh N.H.N (trú tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), gia đình có quen biết ông L.M.Q (ở Lâm Đồng) thông qua việc chơi cây cảnh. Khi đó, ông Q giới thiệu từng chữa khỏi bệnh cho các em nhỏ bị chậm phát triển. Mức phí chữa bệnh mà gia đình phải trả cho ông Q nếu muốn chữa bệnh cho con là 200 triệu đồng/tháng, thời gian điều trị từ 2-3 năm và gia đình phải ứng trước số tiền là 600 triệu đồng.
Ngày 3/3/2022, anh N đưa con vào TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) giao cho ông Q để người này chữa trị. Ngày 8/3/2022, ông Q gọi điện yêu cầu gia đình anh N test COVID cả nhà rồi gửi cho mình. Khi gửi kết quả cả nhà âm tính thì ông Q báo với anh N là cháu bé bị COVID từ đêm 3/3/2022 (tức là ngày ông Q nhận cháu ) và ekip của ông có mấy người bị COVID. Đến ngày 11/3/2022, ông Q báo test cháu đã âm tính.
Ngày 27/3/2022, ông Q điện thoại nói mình đang ở Huế và hẹn đi uống cà phê. Tại đây, ông Q thông báo cháu bé đã mất và sai người lấy một hũ đựng tro cốt từ trên xe ô tô đưa cho anh N.
Thấy cái chết của con có dấu hiệu bất thường, gia đinh anh N đã gửi đơn đến cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân. Hiện vụ việc này đang được Công an tỉnh Lâm Đồng xác minh để xử lý theo quy định.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), đây là một vụ việc khá hi hữu và nghiêm trọng bởi cháu bé đã tử vong và thủ tục mai táng có dấu hiệu bất thường. Chính vì vậy, gia đình cháu có quyền tố cáo và cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong xã hội ngày nay thì trẻ em tự kỷ không còn là xa lạ, việc điều trị trẻ tự kỉ có thể kết hợp nhiều biện pháp từ y tế, giáo dục, tâm lý… Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục, điều trị trẻ tự kỷ phải có sự quản lý của nhà nước theo quy định của pháp luật. Trường hợp giáo dục trẻ tự kỉ mà có sử dụng thuốc hoặc các hoạt động liên quan đến khám chữa bệnh thì phải do tổ chức khám chữa bệnh thực hiện theo quy định của Luật khám chữa bệnh.
Đối với hoạt động giáo dục cũng tương tự, nếu tổ chức giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ em tự kỉ thì cũng phải có sự quản lý của nhà nước, người tổ chức hoạt động giáo dục phải có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp. Cơ sở giáo dục phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trình độ năng lực của giáo viên và phải có giáo trình tài liệu giảng dạy được cấp có thẩm quyền quản lý.
Hiện nay trên thế giới và Việt Nam đang có nhiều phương pháp và dịch vụ can thiệp khác nhau với những hệ thống lý thuyết và bài tập khác nhau. Cũng giống như chẩn đoán, can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ cần có sự phối hợp đa chuyên ngành gồm: Cán bộ y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên), các nhà giáo dục, cán bộ tâm lý… Trong đó, tất cả hoạt động đều đặt trẻ vào vị trí trung tâm, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ được đào tạo, hướng dẫn cụ thể về cách can thiệp tại gia đình.
“Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ người nhận điều trị trẻ tự kỉ trong trường hợp này có được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hay không, phương pháp, biện pháp điều trị trẻ tự kỉ được thực hiện như thế nào, có cơ sở khoa học hay không. Trường hợp có căn cứ cho thấy việc đào tạo, điều trị trẻ tự kỉ không có giấy phép, không có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các cá nhân điều trị trẻ tự kỉ đã đưa ra thông tin gian dối để nhận tiền của phụ huynh rồi chiếm đoạt thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần phải xem xét xử lý bằng các chế tài của pháp luật. Trong đó, không loại trừ trường hợp có thể áp dụng chế tài hình sự”, Ts.Ls Cường phân tích.
Cũng theo luật sư, vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Còn đối với việc cháu bé tử vong do mắc COVID-19 và sau đó được hỏa táng, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ cháu có mắc bệnh hay không. Nếu mắc bệnh thì việc điều trị được thực hiện như thế nào, đặc biệt là làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong.
Theo quy định của pháp luật thì người mắc bệnh COVID-19 có trách nhiệm phải thông báo cho cơ sở y tế ở địa phương, trường hợp cháu bé đang trong cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà mắc bệnh và tử vong thì cũng phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Ngoài ra còn phải báo cho gia đình biết về nguyên nhân tử vong và các giải pháp trước đó đã thực hiện.
Còn việc sau khi hỏa táng một cách vội vã, tự phát rồi mới báo cho gia đình thì đây là vấn đề bất thường, cần phải làm rõ. Trường hợp có căn cứ cho thấy, những thông tin mà người quản lý cho bé đưa ra là không đúng sự thật, cháu bé tử vong không phải là do mắc bệnh thì cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đến tính mạng của trẻ em.
Nếu kết quả xác minh cho thấy cháu bé tử vong do bị hành hạ, đánh đập hoặc có hành vi khác xâm phạm đến tính mạng thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Giết người” để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Trong vụ việc này, cháu bé đã bị hỏa táng nên việc tìm kiếm dấu vết trên thân thể là không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ quá trình điều trị, chăm sóc cho cháu bé được thực hiện như thế nào, cháu bé mắc bệnh từ khi nào và việc điều trị có do cán bộ y tế có chuyên môn thực hiện hay không. Việc cháu bé tử vong có báo cáo với chính quyền địa phương hay không? Bằng các biện pháp nghiệp vụ thì cơ quan điều tra vẫn có thể làm sáng tỏ nguyên nhân của vụ việc để có căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.
“Vụ việc này cho thấy công tác quản lý điều trị trẻ tự kỷ hiện nay ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, các cơ sở điều trị trẻ tự kỷ tự phát có thể mọc lên, thiếu sự quản lý của nhà nước và có thể gây ra nguy hiểm cho trẻ em. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ hoạt động của các cơ sở điều trị trẻ tự kỷ trên địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của trẻ em cũng như bảo vệ tài sản, các quyền lợi hợp pháp của cha mẹ có con bị tự kỷ”, Ts.Ls Cường chia sé.