Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) tạm giữ hình sự nghi phạm Nguyễn Thanh Thi (37 tuổi, quê Thái Nguyên) để điều tra về hành vi giết người. Khoảng 21h30 ngày 9-12, Công an huyện Quốc Oai nhận được tin báo của Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai về việc, cháu Nguyễn Mạnh K. (6 tuổi) được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngừng tim, có nhiều vết thương tích trên mặt và người, hiện đã tử vong.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quốc Oai đã phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ vụ án.
Bước đầu xác định, năm 2011, Nguyễn Thanh Thi và anh Nguyễn Văn M. (35 tuổi, trú tại Thái Nguyên) kết hôn và sinh được hai con chung là cháu Nguyễn Mạnh Q. (10 tuổi) và Nguyễn Mạnh K. (6 tuổi).
Khoảng tháng 9/2019, do thường xuyên mâu thuẫn trong quá trình chung sống nên anh M. và Thi ly hôn. Anh M sau đó đã nuôi cả hai cháu. Đầu năm 2020, Thi nảy sinh tình cảm rồi đăng ký kết hôn với anh Lý Đình Q. (40 tuổi, ở huyện Quốc Oai). Cả hai thuê trọ sống với nhau trên địa bàn huyện Quốc Oai, có một con chung và hiện Thi đang mang thai bảy tháng.
Sau khi kết hôn với anh Q., Thi đón con trai là cháu K. từ nhà chồng cũ về sống cùng. Đến tháng 9/2022, Thi cho rằng cháu K. không nghe lời, lười học và có hành động tự xé sách vở nên nhiều lần dùng gậy tre, móc phơi quần áo, ống nhựa, ghế nhựa đánh vào mông, chân tay và người con mình.
Tháng 12/2022, do bức xúc vì cháu K. nhiều lần đi vệ sinh ra quần, giường ngủ và nền nhà nên Thi dùng một chiếc muôi múc bằng kim loại dài đánh hai phát vào vùng đỉnh đầu con trai.
Đến khoảng 18h ngày 9/12, Thi phát hiện cháu K. có biểu hiện người yếu, toàn thân tím tái nên đã đưa cháu đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, mọi hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm trẻ em vì bất kỳ lý do gì đều là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em. Người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Vụ việc người phụ nữ đánh chết con đẻ 6 tuổi ở huyện Quốc Oai là hành vi vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng. Hành vi của người phụ nữ này là rất tàn nhẫn, đáng lên án, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em. Không chỉ hành hạ trẻ em, người phụ nữ này còn thực hiện hành vi trái pháp luật, tước đoạt tính mạng của trẻ em. Bởi vậy người này sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 (BLHS 2015) và có thể sẽ xử lý thêm tội “Hành hạ con” theo Điều 185 (BLHS).
Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo đến các thế hệ trẻ và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia đã sớm gia nhập công ước về Quyền trẻ em và có nhiều hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em. Hệ thống pháp luật trong nước cũng ngày càng hoàn thiện để bảo vệ tốt nhất quyền con người, quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có nhiều quy định để ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi công dân, đặc biệt là trẻ em. Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.
Pháp luật quy định cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái nhưng nghiêm cấm hành vi giáo dục bằng phương pháp sử dụng bạo lực. Mọi hành vi đánh đập, chửi bới, mạt sát, xúc phạm con cái vì bất kỳ lý do gì cũng là vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền trẻ em thì tùy vào tính chất, mức độ, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, người mẹ này đã nhiều lần đánh đập đứa trẻ tàn nhẫn, dùng nhiều vật dụng khác nhau để đánh cháu bé.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của người phụ nữ này, xác định tính chất nghiêm trọng của sự việc để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc là mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Nếu nhiều hành vi vi phạm pháp luật đều thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội danh thì sẽ xử lý về nhiều tội danh.
Theo đó, những hành vi đánh đập hành hạ cháu bé trước khi đánh tử vong cháu bé nếu thỏa mãn dấu hiệu tội “Hành hạ con” thì sẽ xử lý hình sự về tội danh này. Còn riêng hành vi dùng hung khí đập vào đầu cháu bé kiến cháu bé tử vong có thể xác định đây là hành vi giết người. Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý về tội “Giết người”.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi vi phạm pháp luật, làm rõ hung khí mà đối tượng đã sử dụng, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi cũng như khả năng sát thương của các vật dụng mà đối tượng đã sử dụng để đánh cháu bé.
Chiếc muôi dùng để múc thức ăn có nhiều loại khác nhau, có những loại rất to cứng chắc, nếu loại đó mà dùng sức mạnh của người lớn đập vào đầu cháu bé mới ở độ 6 tuổi thì hoàn toàn có thể gây ra thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Nếu đối tượng nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến việc nạn nhân tử vong nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì khi đó đủ căn cứ để xử lý về tội “Giết người”.
Để buộc tội đối tượng này về tội “Giết người” thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ đặc điểm của hung khí gây án, tính sát thương của hung khí này, sức lực mà đối tượng đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và nhận thức của đối tượng. Về hậu quả có thể xảy ra đây là những yếu tố quan trọng để xác định hành vi khách quan cũng như các yếu tố chủ quan để cấu thành tội giết người.
Trường hợp xử lý về tội “Giết người” thì đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Giết người dưới 16 tuổi; hành vi có tính chất côn đồ, giết người mà người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc… Với những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, đối tượng phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng hình sự như vậy thì khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đây là một vụ án hình sự đau lòng mà đối tượng gây án là người có nghĩa vụ bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, là mẹ đẻ của nạn nhân. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ người chồng mới của đối tượng này có biết về hành vi này không, có hành vi giúp sức sử dụng hay không để xử lý với vai trò đồng phạm.
“Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những hành vi bạo hành trẻ em xảy ra, trong đó nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi hành hạ trẻ em là cha mẹ, người thân của trẻ em. Có thể kể đến nguyên nhân như những người cha, người mẹ đó có cuộc sống không hạnh phúc, nhận thức pháp luật và xã hội hạn chế, thiếu sự quan tâm giúp đỡ của những người thân và đôi khi là cả sự thờ ơ của những người hàng xóm xung quanh.
Để giảm thiểu những vụ việc bạo hành trẻ em do chính cha mẹ, người thân của trẻ em gây ra thì cần phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ trẻ em. Đặc biệt là chú trọng đến các cơ chế để đảm bảo quyền trẻ em không chỉ được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật mà còn phải được đảm bảo để thực hiện trong thực tế; Cần phải áp dụng triệt để các biện pháp hành chính và chế tài hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền trẻ em nhằm ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra”, Tiến sĩ Cường chia sẻ.