Công an tỉnh Bắc Giang đang tạm giữ hình sự đối tượng Đặng Văn Hưởng (SN 1994, trú tại thôn Đảng, xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn) về hành vi “Giết người”. Kết quả điều tra bước đầu xác định, Hưởng là người làm thuê (lái máy xúc) cho gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1979, trú tại thôn Núi, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng) và được bố trí ăn, ở cùng nhà.
Khoảng 13h10’ ngày 8/1, do mâu thuẫn cá nhân, Đặng Văn Hưởng đã dùng dao (loại dao gọt hoa quả) đâm 2 nhát khiến chị Thủy tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau đó, Hưởng sang nhà em chồng chị Thủy là anh Phạm Văn Lợi (SN 1985) và chị Phạm Thị Nguyệt (SN 1985, vợ anh Lợi) tiếp tục dùng dao tấn công khiến cả hai bị thương.
Đánh giá về vụ án nghiêm trọng này, luật sư Vũ Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Vì vậy, người xâm phạm tới quyền này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin ban đầu thì do nảy sinh mâu thuẫn rất nhỏ nhặt trong cuộc sống nên đối tượng Hưởng đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm truy sát chị Thủy và người thân của nạn nhân này. Hành vi phạm tội của nghi phạm thể hiện sự côn đồ hung hãn, vô cớ sát hại người khác.
Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng với 1 người chết và nhiều người bị thương. Với các tình tiết và diễn biến như trên thì đối tượng này có thể bị khởi tố về tội “Giết người” được quy định tại điểm a và điểm n (khoản 1, Điều 123, Bộ luật hình sự 2015) với tình tiết định khung là giết 2 người trở lên, có tính chất côn đồ.
Theo đó, mức hình phạt có thể từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đối với 2 người bị nghi phạm truy sát trọng thương, không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của đối tượng nên thuộc trường hợp phạm tội giết người chưa đạt.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt với đối tượng này, tòa án sẽ căn cứ vào hai yếu tố chính là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Trong đó tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra với nạn nhân, với xã hội; nhân thân của Hưởng và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ là những yếu tố quyết định đến mức hình phạt cụ thể.
Nói về hành vi côn đồ của nghi phạm, luật sư Tuấn cho rằng, giết người có tính chất côn đồ là trường hợp giết người vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác và những quy tắc trong cuộc sống.
Khi xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ cần phải xem xét toàn diện mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người phạm tội khi gây án, nguyên nhân nào dẫn đến việc người phạm tội giết người.
“Hành vi phạm tội của nghi phạm đã gây đau thương mất mát không gì bù đắp được cho gia đình bị hại và gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh trách nhiệm hình sự, Hưởng còn phải bồi thường tiền chi phí mai táng với nạn nhân thiệt mạng theo quy định của Bộ luật Dân sự”, luật sư Tuấn chia sẻ.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 2 người trở lên
n) Có tính chất côn đồ