Nhà tù Iwahig chỉ cách thành phố Puerto Princesa, thuộc tỉnh đảo Palawan 14km. Nơi đây được coi là thiên đường du lịch với hệ thống kênh rạch, sông ngầm độc đáo. Được bao quanh bởi một khu rừng ngập mặn rậm rạp ven biển và một dãy núi, nhà tù rộng hơn 26.000ha và được chia làm 4 khu vực.
Dưới thời chính quyền Mỹ cai trị năm 1902, nhà tù được thành lập để giam giữ những tội phạm người Phillipines nguy hiểm nhất. Ngày nay, nhà tù được phát triển như một hình mẫu thay thế để cải tạo tù nhân, đồng thời là một địa điểm thu hút khách du lịch, dưới sự quản lý của Cục Cải huấn thuộc Bộ Tư pháp Philippines.
Tự do đi lại trong khuôn viên nhà tù
Nhà tù Iwahig mở ra một không gian hoàn toàn khác so với những trại cải tạo thông thường. Thay vì những bức tường bê tông kiên cố, nhà tù được bao quanh bởi hàng rào dây thép gai uốn lượn. Chỉ có một người bảo vệ duy nhất ở cổng ra vào để chào đón khách du lịch và người thân của tù nhân đến thăm.
Hơn 3.000 tù nhân sinh hoạt và làm việc cùng nhau trong không gian mở như một ngôi làng, với những ngôi nhà, khu giải trí, nhà thờ, trang trại rộng lớn, cánh đồng xanh bạt ngàn, không khí thoáng đãng dễ chịu và gần gũi với thiên nhiên.
Tùy thuộc vào bản án và thái độ chấp hành án, tù nhân ở đây được chia thành 3 cấp độ: nguy hiểm, bình thường và cải tạo tốt. Những tù nhân bình thường và cải tạo tốt không phải chịu cảnh biệt giam, họ được tự do đi lại và lựa chọn học nghề mà họ muốn, bao gồm trồng trọt, đánh cá, lâm nghiệp và mộc.
Có tới 200 tù nhân cải tạo tốt phụ trách việc đồng áng và các công việc hành chính, cũng như giám sát hoạt động của các tù nhân bình thường. Họ mặc áo phông màu xanh, chăm sóc ruộng lúa, đồn điền dừa, ruộng ngô và những luống rau nằm rải rác trong khuôn viên nhà tù.
Những người bị kết án thuộc nhóm cải tạo tốt kiếm được 200 peso (4,30 USD) mỗi tháng, trong khi những tù nhân nhóm bình thường chỉ kiếm được một nửa số tiền. Một ban cố vấn sẽ xem xét định kỳ từng trường hợp để xác định tình trạng của tù nhân.
Một phần thu nhập của họ sẽ được giữ trong tài khoản ủy thác cho đến khi các tù nhân mãn hạn tù để họ có một số tiền tiết kiệm sau khi ra tù. Các khoản thu đến từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi hay du lịch sẽ được chính quyền thu để duy trì hoạt động của nhà tù.
Tỷ lệ vượt ngục và tái phạm thấp
Mặc dù chỉ có 3 lính canh có vũ trang giám sát và mất chưa đầy 30 phút để trốn thoát khỏi nơi đây, hầu hết các tù nhân không nghĩ đến chuyện vượt ngục. Vì họ biết rằng khi bị bắt lại, họ sẽ bị giam thêm 5 năm nữa và bị liệt vào dạng “nguy hiểm”, đồng nghĩa với việc không có tự do.
Hơn một thập kỷ qua, chỉ có 20 vụ vượt ngục xảy ra tại Iwahig, con số này vô cùng khiêm tốn so với các nhà tù khác ở quốc đảo Philippines.
Ông Antonio C. Cruz, Giám đốc nhà tù Iwahig cho biết: “Chưa đầy 10% phạm nhân tái phạm sau khi được phóng thích. Tôi cho rằng có lẽ tỷ lệ phạm nhân tái “bóc lịch” chưa đến 1%”.
“Điều kiện ở đây tốt hơn so với các nhà tù khác và lính canh đối xử với chúng tôi rất tôn trọng”, phạm nhân 36 tuổi, người đang chịu án chung thân vì tội giết người, cho biết khi đang cắt cỏ trong vườn.
Một du khách sau chuyến tham quan nhà tù và giao lưu với các tù nhân chia sẻ: “Tôi không nghĩ phạm nhân ở đây hoàn toàn người xấu, chỉ là do hoàn cảnh xô đẩy. Mọi người đều xứng đáng có cơ hội làm lại cuộc đời”.
“Ý tưởng của nhà tù này là cải tạo tội phạm để những tù nhân cải tạo tốt cảm thấy hòa nhập với cộng đồng. Nhiệm vụ chính của chúng tôi không chỉ là trừng phạt mà còn là giáo dục, cải tạo và phục hồi nhân phẩm”, giám đốc nhà tù khẳng định thêm.
Theo www.aljazeera.com/dantri.com.vn