Nhận định của chuyên gia tâm lý trong vụ gửi con đi chữa bệnh nhận lại tro cốt

Xem bài viết

Theo Thạc sĩ Trần Cao Quanh, vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng có thông tin về việc gia đình anh N.H.N (trú TP. Huế) gửi con lên Lâm Đồng cho một người tên L.M.Q để điều trị bệnh chậm phát triển. Tuy nhiên, chỉ sau 25 ngày gửi con đi chữa bệnh, gia đình anh N đã phải đau đớn nhận lại hũ tro cốt được cho là của con trai mình. 

Thạc sĩ Trần Cao Quanh cho biết, chậm phát triển là một tình trạng rối loạn bẩm sinh. Nguyên nhân gây ra chậm phát triển chưa rõ ràng, bao gồm nhiều nhóm yếu tố có nguy cơ gây ra chậm phát triển như yếu tố môi trường, di truyền và các yếu tố tâm lí thần kinh.

Những trẻ có bị chậm phát triển hiện nay phải được can thiệp trị liệu thông qua phương pháp giáo dục được kiểm chứng. Tùy vào khả năng, năng lực của trẻ và mức độ khó khăn trẻ gặp phải kết hợp với phương pháp can thiệp phù hợp. Đồng thời, với sự nỗ lực can thiệp từ gia đình thì trẻ sẽ có sự phục hồi, phát triển ở các lĩnh vực ở những mức độ khác nhau.

Các phương pháp can thiệp, chương trình can thiệp đều chú trọng phát huy vai trò can thiệp, trị liệu cho trẻ của cha mẹ tại gia đình. Cha mẹ là một đội ngũ can thiệp hiệu quả cho con của mình.

Vụ gửi con đi chữa bệnh nhận lại tro cốt: Chuyên gia tư vấn, can thiệp sớm cho trẻ nhận định gì? - Ảnh 1.

Căn nhà cấp 4 – nơi ông L.M.Q thuê và nói là cơ sở can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển. Ảnh GĐCC

Thạc sĩ Trần Cao oanh cho hay, theo chia sẻ của anh N.H.N, trong quá trình điều trị chậm phát triển cho cháu M.Q., ông L.M.Q lại sử dụng cách tách trẻ hoàn toàn ra khỏi gia đình, không cho cha mẹ gặp trẻ trong lúc can thiệp, trị liệu; cha mẹ không được đến thăm con và cũng không cho cha mẹ đến tìm hiểu nơi con mình sẽ được can thiệp, điều trị thế này là một cách “phi giáo dục” và “phản khoa học”. Đặc biệt, trong trường hợp này trẻ mới khoảng 3 tuổi, một độ tuổi cần sự yêu thương, đùm bọc của gia đình.

“Tôi nhận thấy có nhiều vấn đề bất thường về mặt chuyên môn khi bắt bệnh cũng như can thiệp sớm cho cháu bé của ông L.M.Q – người tự xưng là có khả năng điều trị cho trẻ chậm phát triển”, Thạc sĩ Trần Cao Quanh nói.

Cũng liên quan đến vụ việc gửi con đi chữa bệnh nhận lại tro cốt, trả lời PV chiều 14/9, lãnh đạo Trạm Y tế phường Lộc Tiến (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) – địa phương có ngôi nhà được ông L.M.Q thuê nói dùng để làm cơ sở chữa trị cho con trai mình cho biết: “Đơn vị chỉ nắm được thông tin vụ việc qua báo chí phản ánh sau này. Thời điểm đầu năm đến nay, trên địa bàn không có trường hợp tử vong do dịch COVID-19”.

Vụ gửi con đi chữa bệnh nhận lại tro cốt: Chuyên gia tư vấn, can thiệp sớm cho trẻ nhận định gì? - Ảnh 2.

Ông L.M.Q. cùng một người phụ nữ trong đám tang cháu M.Q. Ảnh A.T

Trước đó, anh N.H.N (trú tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) có đơn gửi các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân tử vong của con trai mình. Theo trình bày của anh N. gia đình anh có quen biết ông L.M.Q. (ở Lâm Đồng) thông qua việc chơi cây cảnh. Khi đó, ông Q. giới thiệu từng chữa khỏi bệnh cho các em nhỏ bị chậm phát triển. Mức phí chữa bệnh mà gia đình phải trả cho ông Q. nếu muốn chữa bệnh cho con là 200 triệu đồng/tháng và gia đình phải ứng trước số tiền là 600 triệu đồng.

Thời điểm ấy, ông Q. nói với gia đình anh N. rằng, với mức chi phí này, con trai anh N. sẽ được điều trị ở khu điều trị đầy đủ tiện nghi, các thiết bị hỗ trợ điều trị, không gian sân vườn, cây xanh, căn phòng của cháu được thiết kế rất khoa học… Cùng với đó sẽ có một ekip riêng chăm sóc bao gồm: Tài xế riêng, xe ô tô để chở cháu để đi lại những nơi cần thiết, 1 cô chuyên về nấu ăn dinh dưỡng, cô trợ lý chăm sóc ngủ lại và cháu được chăm sóc, bảo vệ an toàn 24/24 kể cả lúc ngủ…

Ngày 3/3/2022, anh N. đưa cháu M.Q vào TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng giao cho ông Q. để ông này chữa trị. Thời gian điều trị là 2-3 năm, chi phí điều trị 200 triệu đồng/tháng. Tại đây ông Q. ký vào giấy ủy quyền nuôi dạy trẻ.

Ngày 8/3/2022 anh N. được ông Q. gọi điện thoại bằng zalo yêu cầu gia đình anh test COVID cả nhà rồi gửi cho ông Q. xem. Khi gửi kết quả cả nhà anh N. âm tính thì ông Q. báo với anh N. là cháu M.Q bị COVID từ đêm 3/3/2022 (tức là ngày ông Q. nhận cháu M.Q) và ekip của ông L.M.Q có mấy người bị COVID. Đến ngày 11/3/2022 ông L.M.Q báo test cháu M.Q đã âm tính…

Đến ngày 27/3/2022 ông Q. điện thoại báo ông đã ra Huế và hẹn anh N. uống cà phê. Khi anh N. có mặt thì được ông Q. nói là cháu M.Q đã mất. Anh N. hỏi thi thể cháu đâu thì ông L.M.Q. điện thoại yêu cầu bà T. mang một hũ đựng tro cốt từ trên xe ô tô nói cháu mất rồi nên ông và bà T. đã tự ý đốt xác và đựng vào hũ. Ban đầu, gia đình anh N. tin lời ông Q. rằng cái chết của con trai mình là do mắc COVID-19. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và phân tích những điểm bất thường gia đình anh N.H.N đã vào Lâm Đồng để tìm hiểu sự việc.

Tại đây, anh N. phát hiện nơi mà ông Q. dùng làm cơ sở chữa trị cho con trai mình thực tế chỉ là một ngôi nhà cấp 4 được ông Q. thuê lại của một người dân chứ không phải là nơi đầy đủ tiện nghi như lời nói trước đó. Quá bức xúc, anh N. đã làm đơn tố giác gửi cơ quan công an.

Vụ gửi con đi chữa bệnh nhận lại tro cốt: Người cha đáng thương nói về việc giao con cho người khácVụ gửi con đi chữa bệnh nhận lại tro cốt: Người cha đáng thương nói về việc giao con cho người khác

GiadinhNet – Theo chia sẻ của bố cháu bé, đến thời điểm hiện tại, gia đình không hề nhận bất cứ một đồng tiền bồi thường nào dù ông Q. có gợi ý.