Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 7 đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan thông tin sai sự thật qua việc phát tán clip cho rằng “sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM đang học giáo dục quốc phòng – an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 nhảy lầu tự tử do bị xâm hại”.
Việc khởi tố vụ án này căn cứ vào tin báo về tội phạm của Trường Quân sự Quân khu 7 về việc đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng – an ninh Trường Quân sự Quân khu 7.
Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 7 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Đưa tin trái phép thông tin mạng máy tính” được quy định tại khoản 1 (Điều 288, BLHS 2015).
Hiện các cơ quan chức năng đã xác định được những người trực tiếp chỉnh sửa, đăng tải, phát tán các clip chưa được kiểm chứng trên các nền tảng mạng xã hội. Phòng điều tra hình sự Quân khu 7 tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để sớm làm sáng tỏ sự việc.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường, giảng viên luật hình sự (Trường Đại học Thủy Lợi) nhận định, hành vi đưa tin đồn sai sự thật về xâm hại tình dục trong môi trường học đường là rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở đào tạo và tác động tiêu cực đến tâm lý, đời sống của nạn nhân.
Những thông tin sự việc về xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trong môi trường học đường là những thông tin được nhiều người quan tâm, có những hiệu ứng mạnh mẽ trên không gian mạng. Bởi vậy, có thể có nhiều đối tượng vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân nên đã đưa tin sai sự thật về những vụ việc hiếp dâm như vậy.
Ngoài ra cũng có thể có những trường hợp do mâu thuẫn cá nhân mà bịa đặt, vu khống nhằm xúc phạm danh dự uy tín của người khác… Dù nguyên nhân nào chăng nữa thì hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng cũng là hành vi vi phạm luật an ninh mạng, tùy vào tính chất mức độ mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông tin về sự việc nghi vấn nữ sinh bị hiếp dâm được cơ quan chức năng xác định đây là tin đồn, tin giả, bịa đặt, xuyên tạc gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của công dân và uy tín của cơ sở giáo dục.
Theo Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, tối 10/1, tại một phòng có 18 – 20 sinh viên nữ, trong đó một bạn mất hơn 1 triệu đồng và cho rằng nữ sinh viên tên N.C.H.H lấy trộm. Sau đó, N.C.H.H. bức xúc và đã xô cửa chạy ra ngoài vừa la hét, khóc lóc.
Sau đó, cán bộ Đại đội của Trường Quân sự Quân khu 7 đã đưa em N.C.H.H. xuống phòng làm việc để nắm tình hình. Nhà trường mời phụ huynh đến để đưa em về nhà chăm sóc, động viên.
Rõ ràng sự việc có nhiều người chứng kiến, cơ sở giáo dục cũng đã xác minh và kết luận những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội là sai sự thật, có thể là thông tin câu view hoặc thông tin có dụng ý xấu, gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của học viên; ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục đào tạo nên việc làm rõ và xử lý hành vi vi phạm là cần thiết.
Trong trường hợp thông tin thể hiện rõ danh tính của cá nhân, người đưa tin sai sự thật cho rằng đó là nạn nhân bị hiếp dâm mà người này có đơn tố cáo thì người đưa tin sai sự thật có thể bị xử lý hình sự về tội “Vu khống” theo Điều 156 (BLHS 2015).
Trường hợp nạn nhân không tố cáo hoặc thông tin không cụ thể với nạn nhân nhưng hành vi được xác định là đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân thì cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người vi phạm về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 (BLHS 2015) hoặc tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” theo Điều 331 (BLHS).
Hành vi đưa tin sai sự thật trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ sở giáo dục này, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý của sinh viên và các phụ huynh. Đây là sự việc rất nghiêm trọng, cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ nguồn tin, làm rõ mục đích của đối tượng đưa tin, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý theo các quy định của pháp luật.
“Dù nguyên nhân là gì thì hành vi đưa tin sai sự thật này đã tác động tiêu cực đến tâm lý của nhiều sinh viên, gây lo lắng hoang mang trong dư luận xã hội, đặc biệt là đối với các phụ huynh học sinh, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục. Bởi vậy, việc xác minh làm rõ nguồn tin phải làm rõ động cơ mục đích của người đưa tin, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội là vấn đề quan trọng để xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý đối với người vi phạm trong tình huống này sẽ là bài học cho những đối tượng coi thường pháp luật, chỉ vì thiếu hiểu biết hoặc vì động cơ cá nhân mà đã “xả rác” trên không gian mạng, đưa ra những thông tin bịa đặt, sai sự thật gây ra tổn hại đến tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý của nhiều người”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường chia sẻ.
Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
………………