“Quýt làm, cam chịu”
Theo Bản án số 478/2015 ngày 28/12/2015 của TAND Hà Nội, thửa đất số 33 (tờ bản đồ 40, tại thôn Thái Bình, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) là của ông Ngô Văn Phục (ở địa phương) chuyển nhượng cho ông Phùng Ngọc Thắng (SN 1958, trú tại 27 Phạm Hồng Thái, TX Sơn Tây) vào năm 1995 với tổng diện tích là 506 m2. Do mắc bệnh hiểm nghèo nên năm 2009, ông Thắng mất. Năm 2010, gia đình ông Thắng chuyển nhượng cho ông Trần Đức Liên (SN 1957) 140m2 nên chỉ còn sử dụng 366m2.
Năm 2011, bà Tạ Thị Hợi (vợ ông Thắng) đã sử dụng 3 bộ giấy tờ giả gồm: “Biên bản chuyển nhượng giao đất làm nhà ở” và “Đơn xin chuyển nhượng đất ở” để thế chấp vay tiền của bà Nguyễn Thu Phương số tiền 250 triệu; vay 400 triệu của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thành và Đỗ Xuân Hải; vay 2,059 tỷ đồng của vợ chồng ông Phùng Đức Giang và bà Nguyễn Thị Thanh Hương cùng trú tại phố Trương Định (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Tại tòa, anh Giang khai, do không có tiền trả nên ngày 1/4/2012, bà Hợi đã làm “Giấy chuyển nhượng nhà đất” và “Hợp đồng mua bán nhà đất” cho ông Giang. Đáng chú ý, “Hợp đồng mua bán nhà đất” chỉ ghi tên người bán là Tạ Thị Hợi, còn để trống tên người mua và không ghi chuyển nhượng với giá bao nhiêu tiền. Bà Hợi và ông Giang thống nhất ghi hợp đồng mua bán nhà lùi lại ngày 9/12/2011 cho phù hợp với ngày đầu tiên ông Giang cho bà Hợi vay tiền.
Theo cơ quan tố tụng, bà Hợi đã vay của 3 người tổng số tiền là 2,709 tỉ đồng. Mặc dù trong tất cả các giấy vay tiền đều thỏa thuận tiền lãi, thực tế có trường hợp đã tính lãi, được ghi vào giấy, hai bên ký nhận nhưng người bị hại bị lừa dối, hợp đồng vay tiền bị vô hiệu, bị cáo đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên không có căn cứ để tính tiền lãi theo hợp đồng buộc bị cáo phải trả lại cho người bị hại.
Tòa án nhận định, bà Hợi đã dùng thủ đoạn gian dối, vay tiền rồi chiếm đoạt nên cấu thành tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Hợi đã bị tòa tuyên phạt 15 năm tù giam.
Về trách nhiệm dân sự, do hợp đồng vay tiền được xác định là vô hiệu nên bà Hợi phải có trách nhiệm trả lại những người bị hại số tiền đã vay và sau đó chiếm đoạt. Cụ thể, bà Hợi phải trả cho bà Phương số tiền 250 triệu đồng; trả cho vợ chồng bà Thành 400 triệu đồng; trả cho vợ chồng ông Giang 1,5 tỉ đồng (tại tòa ông Giang chỉ yêu cầu bà Hợi trả số tiền này, thay vì phải trả đúng 2,059 tỉ đồng đã vay).
Những tưởng phán quyết của tòa sẽ được các bên tuân thủ, chấp hành. Vậy nhưng, người thân của bà Hợi bất ngờ phát hiện thửa đất này bị gia đình ông Giang đến xây dựng nhà xưởng. Bức xúc trước sự việc trên, chị H (con gái bà Hợi) đã làm đơn gửi chính quyền địa phương xử lý dứt điểm vụ việc, yêu cầu ông Giang khôi phục lại nguyên trạng ban đầu.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Yên khẳng định, hiện thửa đất trên vẫn thuộc quyền quản lý và sử dụng của gia đình bà Hợi. Thửa đất này là di sản thừa kế của ông Thắng để lại cho vợ và các con.
Ông Tiến cũng cho biết, sau khi tiếp nhận đơn của chị H, UBND xã đã nhiều lần gửi giấy mời ông Giang lên làm việc nhưng ông này chưa phối hợp. Trên thửa đất của gia đình bà Hợi có nhà xưởng do ông Giang xây dựng năm 2016 và ông Phùng Chí Kiên (em trai ông Giang) đang sử dụng làm xưởng mộc. “Hiện chúng tôi cũng đã cung cấp toàn bộ thông tin cho Công an huyện Thạch Thất để phục vụ công tác điều tra”, ông Tiến thông tin.
Song song với đó, chị H cũng làm đơn gửi Công an huyện Thạch Thất, tố cáo ông Giang có hành vi “Chiếm giữ tài sản trái phép”. Ngày 20/5/2022, Công an huyện Thạch Thất có Quyết định số 64, tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm. Lý do tạm đình chỉ được cơ quan công an xác định: “Ông Giang là người bị tố giác nhưng chưa xác định được đang ở đâu để cung cấp các thông tin, tài liệu nhằm làm rõ bản chất vụ việc… Khi nào làm việc được với ông Giang sẽ phục hồi điều tra, giải quyết tiếp”.
Tội “Chiếm giữ tài sản trái phép” hoàn thành khi nào?
Theo luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo Điều 176 (BLHS 2015) thể hiện bởi một trong các hành vi như: Cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại.
Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi chuyển dịch tài sản của người khác đang có một cách hợp pháp thành tài sản của mình một cách trái phép. Biểu hiện của sự chuyển dịch này là hành vi tiếp tục chiếm hữu, là hành vi sử dụng hoặc là hành vi định đoạt tài sản.
Bản án của tòa xác định là hợp đồng vay tiền giữa bà Hợi và các bị hại là vô hiệu nên bà này có trách nhiệm trả lại tiền cho các bị hại (trong đó có ông Giang). Hiện thửa đất trên vẫn đứng tên ông Thắng, ông Giang không có liên quan gì đối với thửa đất số 33 (tờ bản đồ 40, tại thôn Thái Bình, xã Bình Yên).
Luật sư Anh phân tích: “Trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt được phải từ 10.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, thời điểm được xem là hoàn thành tội phạm được bắt đầu tính từ lúc sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo pháp luật quy định mà phía người chiếm hữu tài sản vẫn cố tình không trả lại”.
Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản:
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”