Sau khi Lê Hoàng Long (31 tuổi, quê Hải Phòng) bị Bộ Công an khởi tố về tội Môi giới mại dâm, mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến bàn luận, phỏng đoán về danh tính 2 người đẹp có tên T.H. và T.T. tham gia đường dây này. Trong đó, Nguyễn Thúc Thùy Tiên (hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021) và Nông Thúy Hằng (hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2022) là hai trong số nhiều người đẹp bị réo tên.
Trong động thái mới nhất, Thùy Tiên cùng luật sư đã gửi công văn đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xác minh, xử lý phạt 2 chủ tài khoản Facebook có hành vi đăng tải thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hình ảnh của mình.
Bên cạnh việc đề nghị xử phạt, người đẹp này cần làm gì để đảm bảo tối đa quyền lợi của cá nhân?
Luật sư, thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Trường hợp bị tung tin đồn thất thiệt, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ các thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Nếu thông tin đó được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, cá nhân đăng tải phải gỡ bỏ, cải chính thông tin bằng phương tiện đó. Nếu thông tin được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, cá nhân bị đưa tin có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
“Không ai được phép xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Khi cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra kết luận chính thức thì việc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng quyền tự do chia sẻ, lan truyền những điều thuộc về nhân thân của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh việc tự đính chính thông tin, nhờ tòa án, sở thông tin và truyền thông can thiệp, Thùy Tiên và Thúy Hằng có thể gửi tố giác lên cơ quan công an, đề nghị xem xét xử lý hình sự các cá nhân này về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015”, luật sư Giáp cho biết.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể xác minh, làm rõ việc các cá nhân đăng tải thông tin sai có biết sự thật về vụ việc, có biết rõ đó là thông tin xuyên tạc nhưng vẫn đăng tải gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự cá nhân hay không. Nếu có căn cứ xác định họ biết rõ điều này, các cá nhân có thể bị xử lý về tội Làm nhục người khác (Điều 155) hoặc Vu khống (Điều 156) theo Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cũng cho rằng danh dự, nhân phẩm của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Pháp luật cho phép các cá nhân được tự do ngôn luận nhưng không được phép tùy tiện, bừa bãi, phá vỡ khuôn khổ hay vượt quá giới hạn làm ảnh hưởng đến các quyền và giá trị khác được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Đối với trường hợp của 2 hoa hậu Thùy Tiên và Thúy Hằng, về chế tài hành chính, người vi phạm có thể bị xử phạt 2-3 triệu đồng về hành vi xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời buộc phải cải chính thông tin sai sự thật.
Về chế tài hình sự, luật sư Hùng cũng cho rằng các tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, Vu khống hoặc Làm nhục người khác sẽ được xem xét trong vụ việc này. Tuy nhiên, để có căn cứ yêu cầu xử lý những cá nhân đăng tải thông tin sai lệch cũng như bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, 2 người đẹp trước tiên cần thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh mình không liên quan tới đường dây này. Bên cạnh đó, họ cần chứng minh được thiệt hại do thông tin xấu độc đó gây ra, ví dụ như thiệt hại về thu nhập (các đối tác ngừng hợp tác vì thông tin này) hay thiệt hại về hình ảnh (bị cộng đồng mạng, người hâm mộ chửi rủa)…
Khi các người đẹp có đầy đủ chứng cứ hợp pháp và hợp lệ, bên cạnh trách nhiệm hành chính hoặc hình sự (nếu có), những cá nhân đăng tải thông tin bịa đặt còn có thể phải bồi thường dân sự cho 2 người đẹp về những thiệt hại mà thông tin thất thiệt đó gây ra.
Hoàng Linh