Như Gia đình & Xã hội đã đưa tin, ngày 20/10, gia đình bà Q (trú tại xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, Thái Bình) bất ngờ nhận được tin nhắn từ số máy lạ thông báo nội dung: Hài cốt bố chồng bà (cụ L.S.T) được an táng tại nghĩa trang nhân dân bị đào trộm. Muốn lấy lại hài cốt người thân thì gia đình bà Q. phải thu xếp 300 triệu đồng, nếu không hài cốt người quá cố sẽ bị tiêu hủy.
Ngay sau đó, bà Q. ra phần mộ an táng của bố chồng tại khu vực nghĩa trang để kiểm tra thì bàng hoàng phát hiện ngôi mộ đã bị kẻ gian đào bới, lấy tiểu quách chứa hài cốt mang đi. Lập tức, gia đình nạn nhân trình báo sự việc đến Công an xã Thụy Văn và Công an huyện Thái Thụy.
Nhận tin báo, Công an huyện Thái Thụy báo cáo sự việc lên Công an tỉnh Thái Bình. Trước sự việc có tính chất phức tạp, Công an Thái Bình nhanh chóng huy động lực lượng tổ chức truy tìm thủ phạm.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an nhanh chóng xác định Nguyễn Công Nho (SN 1972, ở địa phương) là đối tượng gây ra vụ việc trên và tiến hành bắt giữ.
Tại cơ quan công an, Nho khai nhận, do bản thân nợ nần về kinh tế nên đối tượng đã đào mộ, dấu hài cốt ông L.S.T. ở cánh đồng thôn Bạch Sơn (xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy) với mục đích để đòi tiền chuộc hài cốt của người nhà ông T.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm- Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi của đối tượng là vô nhân đạo, không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Chỉ vì nợ nần, túng quẫn mà đối tượng đã lên kế hoạch, để ý đến gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, có người nhà an táng tại khu vực nghĩa trang rồi thực hiện hành vi đào trộm mồ mả lấy hài cốt nhằm gây sức ép để tống tiền. Đối tượng đã uy hiếp tinh thần gia đình nạn nhân nếu không đưa 300 triệu thì sẽ hài cốt người quá cố sẽ bị tiêu hủy.
Xét hành vi phạm tội của đối tượng đã xâm phạm đến hai khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là quyền sở hữu tài sản và xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hành vi của đối tượng đã cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 170 và Điều 319 (Bộ luật Hình sự 2015).
“Hành vi của đối tượng đã gây nên sự phẫn nộ không chỉ cho gia đình bị hại mà còn gây bất bình trong dư luận xã hội nên cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, luật sư Thơm chia sẻ.
Cùng chung nhận định trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, hành vi của Nho là nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu xâm hại đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ đó là hài cốt của người đã mất và quyền sở hữu tài sản của công dân.
Pháp luật Việt Nam không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi công dân mà còn bảo vệ sự toàn vẹn của thi thể và bảo vệ hài cốt khi công dân đã qua đời.
Hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là vi phạm pháp luật, người thực hiện một trong các hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 319 (Bộ luật Hình sự 2015). Ngoài hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt, nghi phạm còn có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người nhà người có hài cốt nhằm chiếm đoạt tài sản nên có thể bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
Mặc dù chưa chiếm đoạt được số tiền trên nhưng hành vi có thể khiến nạn nhân hoang mang, sợ hãi mà giao tài sản nên đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Thực tế, nghi phạm chưa chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân nên có thể được áp dụng tình tiết là phạm tội chưa đạt. Theo quy định của Bộ luật hình sự, khi lượng hình, người thực hiện hành vi phạm tội chưa đạt sẽ phải chịu mức hình phạt sẽ là 3/4 mức hình phạt trong khung hình phạt mà điều luật quy định.
“Trong vụ việc này, nghi phạm có thể bị xử lý hình sự về hai tội danh là tội “Xâm phạm mồ mả hài cốt” và tội “Cưỡng đoạt tài sản”, Tiến sĩ Cường nhận định.
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
……………
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.