Công an TP Hà Nội đã bắt giữ nghi phạm N.V. H (SN 1991 ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm hiện đang tạm trú tại phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội) để làm rõ hàng loạt vụ dùng hung khí tấn công người đi đường gây hoang mang dư luận những ngày qua.
Khoảng 21h30 ngày 2/11, có hai nữ sinh lớp 9 đi xe đạp trên đường từ lớp học thêm về qua trước cửa số nhà 58 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên thì bị một đối tượng đi xe máy vượt lên trước.
Đến cạnh Trường THPT Vạn Xuân, nghi phạm dùng đèn tuýp đập ngang mặt cháu gái đi ngoài khiến cháu ngã ra đường rồi bỏ chạy về phía đê Long Biên. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trưa 4/11, lực lượng Công an đã bắt giữ nghi phạm này.
Bước đầu cơ quan Công an làm rõ, ngoài vụ việc gây ra ở phường Bồ Đề, trưa 3/11 chị N.H.L (đang là sinh viên) ngồi chơi ở vỉa hè ngã tư Hàng Bài – Đinh Tiên Hoàng (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), H đã đi xe máy lao lên hè, cầm gậy sắt có gắn đinh đập thẳng vào mặt khiến nạn nhân bị đa chấn thương vùng mắt.
Ngày 4/11, tại khu vực Vincom Bà Triệu, phố Thái Phiên, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, đối tượng dùng dao tấn công 2 phụ nữ…
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an làm rõ, tháng 10/2022, đối tượng H cũng gây ra hàng loạt vụ tấn công khác bằng các loại hung khí là dao, gậy, bóng đèn tuýp…, trong đó có vụ việc dùng dao cứa cổ và chém mạnh vào gáy một phụ nữ ở khu vực phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. May mắn là tất cả các nạn nhân đều không nguy hiểm đến tính mạng. Được biết, đối tượng từng có 2 tiền án, vừa đi tù về.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến sức khỏe của nhiều người, gây mất an ninh trật tự công cộng nên việc cơ quan điều tra vào cuộc truy tìm và bắt giữ đối tượng là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì trong thời gian qua đối tượng này đã gây ra nhiều vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Điều nguy hiểm là đối tượng sử dụng hung khí như dao, gậy, đèn tuýp để đập vào mặt, vào đầu, vào người của nhiều nạn nhân khiến họ bị thương tích, gây hoang mang trong dư luận xã hội
Một tình tiết rất đáng chú ý trong vụ việc này, đó là đối tượng không có mâu thuẫn thù oán gì đối với các nạn nhân, cũng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản nên rất có thể nghi phạm có biểu hiện tâm lý bất thường, một dạng tâm thần.
Quá trình tiếp xúc cho thấy đối tượng có dấu hiệu tâm thần thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định để xác định khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi tại các thời điểm thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe của nạn nhân. Trường hợp kết quả giám định tâm thần kết luận, tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đối tượng này mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì không bị xử lý hình sự nhưng sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy, đối tượng này mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức điều khiển hành vi thì vẫn bị xử lý hình sự nhưng sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự do bệnh lý.
Nếu kết quả giám định cho thấy đối tượng này hoàn toàn bình thường thì phải làm rõ động cơ mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nếu hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản thì sẽ xử lý đối tượng về tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 (BLHS 2015). Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi gây thương tích cho nạn nhân nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Tiến sĩ Cường cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng gây án, xác định tính chất nguy hiểm của hung khí và xác định hậu quả đã gây ra đối với các nạn nhân và xã hội để có biện pháp xử lý phù hợp.
Kết quả điều tra thể hiện đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm, tấn công vào những vùng trọng yếu của nạn nhân, nghi phạm nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra (nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời) thì cơ quan điều tra có thể khởi tố tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 (BLHS 2015).
“Hành vi của đối tượng này là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, trong đó có thể là tính mạng, sức khỏe của công dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc xử lý về tội danh gì sẽ phụ thuộc vào động cơ gây án, khả năng nhận thức của đối tượng, diễn biến hành vi và hậu quả có thể xảy ra đối với nạn nhân và xã hội.
Vụ việc trên cho thấy nguy cơ mất an toàn nơi công cộng là rất cao nếu như có những kẻ biến thái, có dấu hiệu tâm thần hoặc những đối tượng coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Những hành vi nguy hiểm cho xã hội như vậy cần phải được phát hiện kịp thời, đấu tranh, loại bỏ, xử lý nghiêm minh để đảm bảo an toàn, trật tự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân nơi công cộng”, Tiến sĩ Cường phân tích.