Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ đối tượng Vũ Đăng Mạnh (SN 1999, ở xóm Ngòi, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành) về hành vi giết người.
Khoảng 2h ngày 30/12, tại xóm Ngòi (xã Mão Điền) đã xảy ra vụ án giết người với thủ đoạn manh động, liều lĩnh. Nạn nhân là ông Nguyễn Thế G tử vong tại chỗ với nhiều vết đâm trên cơ thể và vợ là bà Nguyễn Thị H bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp Công an huyện Thuận Thành tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác với quyết tâm nhanh chóng làm rõ đối tượng gây án.
Sau hơn 15 giờ tích cực điều tra, thu thập chứng cứ, lực lượng công an đã bắt giữ đối tượng Vũ Đăng Mạnh. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Vũ Đăng Mạnh khai nhận có quan hệ tình cảm với chị V.T.S (SN1999, người cùng quê). Gần đây Mạnh phát hiện chị V.T.S và anh N.T.T là con của nạn nhân Nguyễn Thế G và Nguyễn Thị H chuẩn bị kết hôn.
Để ngăn cản đám cưới, khoảng 23h30’ ngày 29/12, Mạnh chuẩn bị dao và đột nhập vào nhà ông G. Đến khoảng 2h ngày 30/12, Mạnh ra tay sát hại khiến ông G tử vong tại chỗ và bà H bị thương nặng.
Luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, diễn biến sự việc cho thấy hành vi của Mạnh rất quyết liệt, có sự chuẩn bị tính toán, suy nghĩ từ trước, ra tay rất tàn nhẫn, với mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân nên đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 1 (Điều 123, BLHS 2015) với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Có tính chất côn đồ; giết từ 02 người trở lên… Bởi vậy, hình phạt mà đối tượng này phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Nói về hành vi côn đồ của Mạnh, luật sư Anh phân tích, giết người có tính chất côn đồ là trường hợp giết người vô cớ hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người. Nó thể hiện ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác và những quy tắc trong cuộc sống.
“Hành vi phạm tội của Mạnh không những gây tang thương mất mát cho gia đình nạn nhân mà còn gây phẫn nộ trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm. Ngoài trách nhiệm hình sự, đối tượng cũng sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với gia đình nạn nhân gồm: Chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương tối thiểu. Trong trường hợp không thỏa thuận được về mức bồi thường thì đại diện gia đình bị hại có quyền yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”, luật sư Anh nói.
Cũng theo luật sư Anh, đây là một vụ án đau lòng khi nguyên nhân chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Do ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác, do cái tôi quá lớn nên đối tượng đã thực hiện hành vi rất tàn nhẫn.
Có thể thấy rằng, thời gian qua liên tục xảy ra các vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm, các đối tượng gây án thường là các đối tượng côn đồ, máu lạnh, ích kỷ, có tính thù vặt nên khi không thỏa mãn được nhu cầu của mình, tình cảm không được đáp ứng thì nảy ghen tuông, bực tức, thù hận và tìm cơ hội để trả thù, sát hại nạn nhân và người thân của nạn nhân.
Động cơ sát hại nạn nhân xuất phát trực tiếp từ ghen tuông, mâu thuẫn, thù tức nhưng có nguyên nhân sâu xa từ giáo dục, từ đạo đức nhân cách của người này. Với những người được nuông chiều, thiếu giáo dục hoặc sống trong môi trường bạo lực, môi trường thiếu lành mạnh, bản thân thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức sẽ trở thành con người ích kỷ, thiếu lòng nhân ái, đề cao giá trị bản thân, xem nhẹ quyền lợi của người khác.
Những đối tượng này rất dễ nổi nóng, cố chấp, coi thường pháp luật, khi quyền lợi của mình không được đáp ứng, cảm xúc không được thỏa mãn thì sẵn sàng xuống tay với bất kỳ ai.
Để giảm thiểu những vụ án mạng đau lòng như vậy thì ngoài việc xử lý nghiêm minh, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội thì cần phải tăng cường các biện pháp giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức nhân cách, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ. Kịp thời phát hiện giải quyết các mâu thuẫn dân sự trong đời sống xã hội để tránh những xung đột, mâu thuẫn âm bị kéo dài và không lối thoát dẫn đến bi kịch xảy ra.
Còn về lâu dài thì cần phải đổi mới phương pháp giáo dục, đề cao giáo dục đạo đức, xây dựng những chuẩn mực đạo đức xã hội để con người giàu lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, biết sẻ chia, hy sinh và giảm bớt cái tôi ích kỷ cá nhân. Khi trong xã hội mà những lời “cảm ơn”, “xin lỗi” chưa phải là văn hoá, không phải là câu cửa miệng, người ta vẫn sợ nhận lỗi, vẫn đề cao giá trị lợi ích cá nhân, thiếu nhân văn thì còn nhiều người sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được mục đích của cá nhân mình.
“Chỉ khi nào đạo đức xã hội được nâng lên, tính ích kỉ tham lam, bần tiện trong con người giảm đi; con người giao tiếp với nhau có đạo đức, nhân văn, hướng thiện, ý thức tôn trọng người khác được đề cao thành nét văn hóa thì mới giảm thiểu được những vụ án đau lòng như thế này”, luật sư Anh chia sẻ.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
n) Có tính chất côn đồ;
…………….