Mới đây, TAND TP HCM mở phiên xét xử vụ án giết người đối với bị cáo Lê Văn Bá (64 tuổi). Vụ án xảy ra vào năm bị cáo 36 tuổi.
Giết người bỏ trốn
Vào một buổi tối trung tuần tháng 3-1995, Bá đang ngồi uống rượu tại nhà bạn trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh, TP HCM) thì Nguyễn Quốc Dương hớt hải chạy đến và kể bị Vũ Ngọc Thuận đánh, nhờ Bá can thiệp.
Dương dẫn Bá và bạn nhậu đi tìm Thuận. Trên đường đi, nhóm của Bá rủ thêm 3 người nữa. Cả nhóm của Bá xông đến, xô cửa quán khiến Thuận sợ hãi bỏ chạy ra phía sau. Sau đó, Thuận trở lại với cây gỗ trên tay và đánh trả nhưng bị nhóm của Bá dùng dao đâm trúng. Thuận bỏ chạy nhưng vẫn bị đuổi đánh, bị đâm liên tiếp vào người đến tử vong. Kết quả giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM kết luận Thuận chết do sốc mất máu. Sau đêm hỗn chiến kinh hoàng, nhóm của Bá trốn đi khắp nơi.
Cuối tháng 3-1995, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM ra quyết định khởi tố 6 bị can về tội “Giết người” và “Che giấu tội phạm” theo Bộ Luật Hình sự năm 1985 và truy nã đối với các đối tượng bỏ trốn.
Tháng 3-1998, 2 người bạn của Bá ra đầu thú. TAND TP HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt nhóm bị cáo mức án từ 10 tháng tù (cho hưởng án treo) đến tù chung thân về tội “Giết người” và “Gây rối trật tự công cộng”.
Năm tháng sau, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm đã sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên các bị cáo mức án từ 10 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 18 năm tù giam về tội “Giết người” và “Gây rối trật tự công cộng”. Còn Lê Văn Bá vẫn biệt vô âm tín.
Minh họa: KHỀU
Không thể quên ngày ấy
Sau hơn 2 thập niên bị truy nã đặc biệt về tội “Giết người”, Lê Văn Bá bị Công an quận Bình Thạnh bắt giữ tại nhà riêng. Lúc này, gã thanh niên 36 tuổi vô công rỗi nghề, thích thể hiện đã là ông già với mái đầu bạc, khóe mắt xếp chân chim, có vợ và 3 con.
Ngồi ở hàng ghế dự khán hôm đó, sau lưng bị cáo là người vợ không hôn thú với khuôn mặt gầy, đen. Bà ngồi co hai chân trần đặt trên thanh chắn ngang dưới ghế, đôi dép xếp ngay ngắn phía dưới. Hai tay bà đan vào nhau, đôi mắt hết nhìn tay rồi lại nhìn chồng.
Ngày đó, Bá tìm đến xã vùng sâu thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước sinh sống, làm ăn rồi lấy vợ, sinh con dưới tên gọi Lê Văn Sinh. Đến nay, khi người con thứ 3 đã trưởng thành, vợ chồng Bá vẫn chưa đăng ký kết hôn.
Mấy chục năm sinh sống tại địa phương, do đặc thù dân cư thưa thớt, đường sá đi lại không thuận tiện, hàng xóm cũng chỉ biết vợ chồng “ông Sinh” là người ít nói, sống khép kín. Vợ chồng họ dành phần lớn thời gian đi làm và ở lại rẫy nên cũng chẳng phiền đến ai.
Sau khi bị bắt, trên đường di lý về TP HCM, Lê Văn Sinh mới thừa nhận mình là Lê Văn Bá. Làm việc với công an, ông Bá thừa nhận chưa bao giờ quên vụ hỗn chiến năm đó; đồng thời phủ nhận việc đã dùng dao đâm bị hại. Ông Bá khăng khăng chỉ đi cùng Dương đến gặp Thuận mục đích nói chuyện để dàn xếp giảng hòa, khi đi không đem theo hung khí và không tham gia đánh bị hại.
Trước tòa, luật sư bào chữa của bị cáo cho rằng để làm sáng tỏ vụ án, cần triệu tập được người đàn ông có tên P.X.T, một trong những người tham gia và biết được nhiều tình tiết vụ án năm đó. Tòa hỏi bị cáo Bá có yêu cầu triệu tập ai đến tòa để làm rõ vụ án không, bị cáo vừa gật đầu vừa đáp: “Dạ có, yêu cầu ông T. như luật sư nói”.
Trước ý kiến của bị cáo và luật sư bào chữa, đại diện VKSND TP HCM giữ nguyên quan điểm xác định bị cáo là 1 trong 2 đối tượng đã dùng dao đâm chết ông Thuận. Đại diện cơ quan thực hành quyền công tố nhận định lời khai của bị cáo Bá không phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, nên không có cơ sở chấp nhận.
Tuy nhiên, theo kiểm sát viên, để bảo đảm xét xử vụ án đúng pháp luật và xử phạt những người có liên quan, đại diện VKSND TP HCM đồng ý quan điểm hoãn phiên tòa để triệu tập thêm người có liên quan như đề nghị từ phía bị cáo. Trước ý kiến của các bên, HĐXX tạm dừng phiên xử, quyết định trả hồ sồ sơ cho VKSND TP HCM để điều tra bổ sung vụ án.
Chưa biết phiên tòa sẽ mở lại khi nào và có tìm được người đàn ông có tên P.X.T hay không nhưng chắc chắn một điều, dù trốn truy nã và sống dưới một cái tên khác thì cảm giác tội lỗi vẫn luôn giày vò ông Bá suốt hàng chục năm ròng và có lẽ thêm nhiều năm sau nữa. Hiển nhiên cái ác phải trả giá.
Bỏ trốn 8 năm, không thoát án chung thân
Ngày 24-2, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hồ Văn Lam (SN 1990, quê An Giang) tù chung thân về tội “Giết người”.
Lam từng là nhân viên phục vụ tại quán ăn của ông Nguyễn Huy Dũng nhưng bị ông Dũng cho nghỉ việc nên có mâu thuẫn với nhau.
Khoảng 4 giờ ngày 10-11-2013, Lam thấy ông Dũng và ông Trịnh Văn Hùng ngồi uống bia với nhau tại quán trên đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 nên đến ngồi chung, sau đó cãi nhau. Lam cầm dao đâm trúng cánh tay trái ông Dũng. Bị ông Dũng cầm chai bia ném trả, Lam bỏ chạy. Ông Hùng và ông Dũng rượt theo bị Lam đâm liên tiếp vào vùng ngực, bụng. Sau nhiều lần phẫu thuật điều trị thương tích, ông Dũng tử vong vào ngày 17-1-2014. Riêng ông Hùng bị thương tích 73%.
Sau khi gây án, Lam trốn đến các tỉnh Đồng Nai, Cà Mau, đến cuối năm 2021 thì bị Công an tỉnh Cà Mau bắt giữ.