Vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tới 15 năm tù

Xem bài viết

Công an tỉnh Lâm Đồng vừa bắt giữ nhóm đối tượng Man Văn Tự (34 tuổi), Lê Đình Sang (37 tuổi) và Nguyễn Thị Phương Thảo (27 tuổi), cùng ngụ huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, Phạm Anh Tịnh (33 tuổi) cùng trú tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) về hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ.

Trước đó, thực hiện tháng cao điểm đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Qua công tác nắm địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện một nhóm đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn có dấu hiệu mua bán, tàng trữ pháo nổ liên tỉnh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tập trung xác minh.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định các đối tượng sẽ đưa một lượng lớn pháo hoa nổ từ cửa khẩu Hoa Lư, tỉnh Bình Phước vào địa bàn Lâm Đồng.

Khi một lượng lớn pháo hoa nổ được các đối tượng vận chuyển về đến xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Lúc này, các đối tượng đã tìm cách bỏ chạy hòng thoát thân nhưng ngay lập tức bị bắt giữ. Tang vật thu giữ gồm 2 xe ô tô chất đầy pháo hoa nổ, 986 bánh pháo nổ, mỗi bánh chứa 49 quả pháo hoa nổ có tổng trọng lượng 1.774kg.

Cơ quan chức năng đã hoàn tất biên bản phạm tội quả tang, ghi lời khai ban đầu của các đối tượng, niêm phong và đưa toàn bộ tang vật, các đối tượng về cơ quan để tiếp tục điều tra. Các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo trái phép.

Vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tới 15 năm tù - Ảnh 1.

Công an tỉnh Lâm Đồng bắt 4 đối tượng và thu giữ gần 2 tấn pháo nổ. Ảnh: Báo Thanh tra

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp khẳng định, hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chính phủ Việt Nam đã quy định cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán pháo nổ từ năm 1994. Trước khi quy định này được ban bố thì thói quen sản xuất, sử dụng pháo nổ trong xã hội là rất phổ biến. Hành vi đốt pháo nổ gây tiêu tốn lãng phí nhiều tiền của, xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Mặc dù chính phủ đã cấm việc sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu, đốt các loại pháo nổ nhưng thực tế nhiều người vẫn vi phạm quy định này. Hành vi buôn lậu pháo nổ qua biên giới, mua bán trái phép, đốt pháo nổ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Đã có nhiều trường hợp đã bị phát hiện, xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện nhiều loại pháo hoa, trong đó có những loại pháo hoa được phép sử dụng trong các dịp lễ, tết, những đợt sinh nhật. Còn đối với các loại pháo hoa nổ thì việc sử dụng phải theo quy định của pháp luật.

Quy định sử dụng pháo hoa được đề cập tại khoản 1 (Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP) về quản lý, sử dụng pháo như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật”.

Pháo hoa được phép sử dụng trong những dịp cá nhân là loại pháo quy định tại điểm b (khoản 1, Điều 3, Nghị định 137/2020/NĐ-CP) như sau: “b) Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.

Như vậy, pháo hoa được phép sử dụng là loại pháo gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ. Còn loại “pháo hoa nổ” là loại pháo mà người dân không được phép tự ý sử dụng. Pháo hoa nổ được xếp vào nhóm pháo nổ và nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng. Việc sử dụng pháo hoa nổ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong những trường hợp đặc biệt.

Vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tới 15 năm tù - Ảnh 2.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường khẳng định, hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là vi phạm pháp luật

Theo các quy định trên thì vào dịp Tết, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ- gọi chung là pháo hoa “không nổ”.

Đối với loại “pháo hoa nổ” (là loại phát ra tiếng nổ) thì phải do cơ quan chức năng tổ chức sử dụng vào các dịp lễ lớn hoặc dịp tết theo kế hoạch của nhà nước. Nghiêm cấm việc tổ chức cá nhân tự ý sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ và pháo hoa nổ.

Việc người dân mua các loại không nổ để sử dụng cũng phải mua ở các địa điểm, cơ sở do nhà nước quy định. Theo đó khoản 2 (Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP) quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Bên cạnh đó, cần phải tuần tra kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, kịp thời kiểm tra phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ theo quy định của pháp luật. Trong đó có thể áp dụng chế tài hình sự tới 15 năm tù để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, Tiến sĩ, luật sư Cường chia sẻ.

Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được quy định

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;

b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;

c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

……………….

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;