Công an tỉnh Thái Nguyên đang phối hợp với Công an TP Sông Công điều tra vụ cướp ngân hàng vừa xảy ra trên địa bàn. Sự việc xảy ra khoảng 14h ngày 14/11, nghi phạm là nam giới, bịt kín mặt, cầm vật giống súng quân dụng xông vào ngân hàng, uy hiếp nhân viên để cướp khoảng 700 triệu đồng.
Khi xông vào ngân hàng, nghi phạm mặc quần áo dài, đội mũ len kín mặt, áo khoác có in hình con gà trên ngực trái, đi xe máy màu trắng.
Sau khi cướp được tiền, nghi phạm đã lên xe máy bỏ trốn khỏi hiện trường. Toàn bộ hành vi của nghi phạm đã bị camera an ninh của ngân hàng ghi lại. Hiện Công an tỉnh Thái Nguyên đang tích cực truy bắt nghi phạm để xử lý theo quy định.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, qua đoạn clip cho thấy, vụ cướp ngân hàng xảy ra tại Thái Nguyên rất manh động, táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật.
Theo quy định của pháp luật thì hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản. Người thực hiện hành vi cướp tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 168 (BLHS 2015). Nếu tài sản chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì nghi phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi tổ chức, cá nhân, mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến quyền sở hữu tài sản đều phải chịu chế tài của pháp luật. Hành vi cướp tài sản không chỉ trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn đe dọa uy hiếp đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Không ít trường hợp đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản đồng thời gây ra thương tích, thậm chí sát hại nạn nhân để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản.
Trong thực tiễn đời sống xã hội thì các đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản thường là cướp tài sản của cá nhân, nạn nhân bị cướp thường là do sơ hở, thiếu cảnh giác. Ngoài ra với những đối tượng vỡ nợ, phá sản, thua bạc hoặc những đối tượng giang hồ cộm cán trong cơn quẫn bách, túng thiếu thường nghĩ đến việc cướp ngân hàng bởi chúng thường nghĩ đây là nơi có nhiều tiền nhất. Tuy nhiên, việc cướp tiền ở ngân hàng thành công là rất khó, trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật thì lại càng khó hơn rất nhiều lần.
“Ngân hàng là nơi thực hiện các hoạt động tài chính và thường xuyên lưu giữ một lượng tiền lớn. Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh ở ngân hàng luôn được quan tâm. Các đối tượng thực hiện hành vi cướp ngân hàng thường sẽ để lại rất nhiều dấu vết, có hình ảnh cụ thể thông qua hệ thống camera giám sát và có nhiều người làm chứng.
Khi hình ảnh thông tin được công khai, bằng các biện pháp nghiệp vụ thì rất nhanh chóng chân dung đối tượng sẽ được các trinh sát dựng lên để truy tìm. Trên thực tế, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ cướp ngân hàng manh động, đối tượng đã bỏ trốn khỏi hiện trường mang theo rất nhiều tiền nhưng trong khoảng thời gian rất ngắn đã bị lực lượng công an bắt giữ, xử lý”, Ts.Ls Cường phân tích.
Cũng theo Ts.Ls Đặng Văn Cường, mặc dù đối tượng bịt mặt, trùm đầu nhưng những hình ảnh của nghi phạm thể hiện qua camera giám sát được công khai cũng sẽ khiến nhiều người dân có thể nhận dạng nếu họ là người thân hoặc quen biết về đối tượng này.
Với vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vậy thì cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên sẽ huy động lực lượng hùng hậu, tinh nhuệ để truy tìm đối tượng. Việc phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng cướp ngân hàng thực hiện càng nhanh chóng, hiệu quả thì càng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tránh hoang mang, lo lắng trong dư luận.
Với số tiền chiếm đoạt khoảng 700 triệu đồng thì đối tượng cướp ngân hàng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hung khí mà đối tượng sử dụng có phải là vũ khí quân dụng hay không. Trường hợp đây là vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thể thao nhưng có tính năng tương tự vũ khí quân dụng thì đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ ngoài đối tượng gây án thì còn có ai là đồng phạm hay không. Tất cả các đối tượng giúp sức, xúi giục, chủ mưu, cùng ý chí với đối tượng này để thực hiện hành vi cướp ngân hàng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cướp tài sản” với vai trò đồng phạm.
Tất cả những người thân, bạn bè nếu biết đối tượng này cướp tài sản mà không trình báo tố giác thì sẽ bị xử lý tội “Không tố giác tội phạm”. Còn nếu giúp đỡ đối tượng bỏ trốn thì bị xử lý hình sự về tội “Che giấu tội phạm”.
“Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những vụ cướp ngân hàng có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Trong đó có thể kể đến là một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên lười lao động, muốn có tiền nhưng không phải đi làm nên thực hiện hành vi cướp tài sản. Một số đối tượng thì tiếp xúc với những phim ảnh, những trò game bạo lực nên bị ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội. Thậm chí, một số đối tượng cờ bạc, cá độ bóng đá dẫn đến thua lỗ, không có tiền trả nợ đành làm liều nên đã thực hiện hành vi cướp tài sản sản tại ngân hàng. Ngoài ra, hệ thống đảm bảo an ninh ngân hàng, lực lượng bảo vệ ở một số ngân hàng còn có những sơ hở, thiếu cảnh giác dẫn đến các đối tượng nảy sinh ý định cướp ngân hàng.
Để giảm thiểu những vụ cướp ngân hàng xảy ra thì cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ nhiều giải pháp, trong đó có thể kể đến là giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Với những đối tượng lười lao động, chơi bời đua đòi thì cần phải có sự quản lý chặt chẽ của gia đình, nhà trường, cơ quan đoàn thể và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn ở ngân hàng, đặc biệt là hệ thống báo động, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, được trang bị vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ cần thiết để xử lý các tình huống có vấn đề”, Tiến sĩ Cường chia sẻ.
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 – 10 năm.
……….
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 – 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;