Vụ bé gái 4 tuổi bị hành hung tại khu vui chơi: Bênh con bằng cách đánh bạn của nó là hành vi bản năng, hoang dã

Xem bài viết

Xác minh vụ bé gái 4 tuổi bị đánh ở khu vui chơiXác minh vụ bé gái 4 tuổi bị đánh ở khu vui chơi

Công an phường Hoàng Liệt, Hà Nội, đang xác minh bài đăng tố cáo một người đàn ông đánh bé gái 4 tuổi ở khu vui chơi.

Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã triệu tập Vũ Trọng Đ (34 tuổi, ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) để làm rõ hành vi đánh bé gái 4 tuổi tại khu vui chơi tại khu đô thị Linh Đàm.

Tại cơ quan công an, Đ khai nhận, tối 7/6, anh ta đưa con mình đến khu vui chơi ADCBook (khu đô thị Linh Đàm) thì bị cháu N.V.A.T. (4 tuổi) vô tình ném bóng nhựa trúng mặt mình và con của anh ta. Trong lúc nóng giận, Đ đã dùng chân, tay đánh 2, 3 phát vào người cháu bé.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ngắn phản ánh vụ cháu bé 4 tuổi bị hành hung trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Nội dung đoạn clip cho rằng, bé gái 4 tuổi được mẹ cho đi chơi tại khu vui chơi ADCBook. Sau khi về nhà, mẹ bé gái cảm nhận sự bất thường khi con gái liên tục khóc, hoảng loạn.

Sau khi kiểm tra lại camera giám sát khu vui chơi, người mẹ phát hiện con gái mình bị một người đàn ông đánh. Nguyên nhân được cho là bé gái đã ném bóng trúng con của người đàn ông trên.

Bức xúc trước hành vi côn đồ của người đàn ông, gia đình cháu bé đã làm đơn trình báo gửi cơ quan công an.

Vụ bé gái 4 tuổi bị hành hung tại khu vui chơi: “Khi cha mẹ coi con mình là vàng, là ngọc” - Ảnh 2.

Hình ảnh nghi phạm được cho là hành hung bé gái 4 tuổi

Bình luận về hành vi côn đồ của người đàn ông hành hung bé gái 4 tuổi, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi công dân đặc biệt đối tượng là trẻ em. Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến thân thể của người khác là vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.

Trẻ em là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất tinh thần, thường hiếu động và hay mắc sai lầm. Bởi vậy, việc giáo dục trẻ em không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, nhà trường mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Pháp luật nghiêm cấm hành vi giáo dục bằng sử dụng bạo lực. Hành vi đánh trẻ em vì bất cứ lý do gì cũng là hành vi vi phạm pháp luật, đáng lên án và sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.

Trong vụ việc nêu trên, hành vi của người đàn ông mặc áo đen xông vào đánh liên tục vào đầu, vào mặt cháu bé khiến nạn nhân đau đớn, sợ hãi. Điều đáng chú ý là sau khi trở về nhà cháu bé vẫn hoảng loạn và có biểu hiện bị tổn thương tâm lý và sức khỏe nghiêm trọng. Cha mẹ của cháu bé cần cung cấp các thông tin sự việc để cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, xử lý người đàn ông theo quy định pháp luật.

Để có căn cứ sự việc, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích đối với cháu bé, hướng dẫn gia đình đưa cháu bé đi thăm khám điều trị để xác định hậu quả tổn thương. Trường hợp kết quả giám định cho thấy cháu bé có thương tích thì dù tỷ lệ thương tích dưới 11 % cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 (BLHS 2015) với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “có tính chất côn đồ” và “phạm tội với người dưới 16 tuổi”.

Vụ bé gái 4 tuổi bị hành hung tại khu vui chơi: “Khi cha mẹ coi con mình là vàng, là ngọc” - Ảnh 3.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, bênh con bằng cách đánh bạn của nó là hành vi có tính chất bản năng, hoang dã

Về phương diện tình cảm thì bố mẹ nào cũng thương con, lo lắng cho con cái. Tuy nhiên, thể hiện tình cảm thương con như thế nào, giáo dục con cái, bảo vệ con cái như thế nào cho có văn hóa, cho thể hiện mình là người lớn mới là vấn đề mà người lớn phải suy nghĩ. Thực tế cho thấy có nhiều bậc cha mẹ vì thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, vì ích kỷ, tham lam nên thường coi con mình là vàng, là ngọc, đồng thời xem thường tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm của những đứa trẻ khác.

Khi con mình bị bạn bè bắt nạt, bị tổn hại, thiệt thòi thì không biết cách khuyên ngăn, dạy bảo, giáo dục mà sẵn sàng xuống tay đối với những đứa trẻ xung quanh. Đây là hành vi thể hiện nhận thức rất hạn chế, thiếu suy nghĩ, đáng trách và đáng lên án. Những hành vi như vậy cần phải được trả giá bằng những chế tài của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

“Tiến sĩ, luật sư Cường chia sẻ: “Nhiều chuyên gia giáo dục từng nhận định rằng: “Sự nuông chiều sẽ tạo ra những đứa trẻ vô ơn”. Nuông chiều là hư hỏng, khi cha mẹ coi con mình là trung tâm của vũ trụ, tìm mọi cách để bảo vệ con mình mà không cần lý lẽ, không biết đúng sai thì những đứa trẻ đó rất khó để có thể trưởng thành, rất khó có thể nhận thức được bản thân mình và chia sẻ với cộng đồng. Bởi vậy cách giáo dục cực đoan như vậy sẽ làm hại những đứa trẻ.

Bênh con bằng cách đánh bạn của nó, đánh những người xung quanh là hành vi có tính chất bản năng, hoang dã không phù hợp với cách ứng xử trong một xã hội văn minh. Những người hành xử như vậy cần phải được giáo dục, phải trả giá bằng những chế tài của pháp luật để hành xử của những con người được thực hiện theo những quy tắc, chuẩn mực chung của xã hội”.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

…………….

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

i) Có tính chất côn đồ;