Những ngày qua, một nam doanh nhân xác nhận đang “hẹn hò” với nữ diễn viên nổi tiếng khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Ngay sau khi những hình ảnh này được lan truyền trên mạng, vợ của doanh nhân đã lên báo khẳng định bà và chồng chưa ly hôn.
Tuy nhiên, doanh nhân này cũng lập tức đăng đàn phản pháo và cho rằng các thông tin người vợ đưa ra là chưa chính xác, có thể gây nhầm lẫn nên ông buộc phải lên tiếng. Nam doanh nhân chia sẻ, ông đã có cuộc sống độc thân từ hơn 2 năm nay. Trong vài tháng gần đây ông đã quen biết, tìm hiểu và có mối quan hệ tình cảm với nữ diễn viên P.O. Cả hai đã xuất hiện cùng nhau tại nhiều nơi và không có ý định giữ bí mật về mối quan hệ này.
“Từ năm 2018, chúng tôi đã có nhiều trục trặc và mâu thuẫn trong đời sống nên từ cuối năm đó chúng tôi đã ký đơn đồng thuận ly hôn, đồng thời thỏa thuận và thực hiện xong việc chia tài sản và thời gian chăm sóc con cái để mỗi người có cuộc sống riêng. Đến giữa năm 2020, chúng tôi đã không còn chung sống tại ngôi nhà cũ tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông. Cá nhân tôi đã chuyển ra sống một mình tại một chung cư ở quận khác, một thời gian sau vợ (cũ) của tôi cũng đã chuyển đến một nơi ở khác ở quận Hà Đông.
Chúng tôi đã thỏa thuận bằng miệng với nhau rằng trong thời gian ly thân, bất kỳ ai cũng có thể nộp đơn đồng thuận ly hôn đã ký để chấm dứt tình trạng hôn nhân. Sau này vì cảm thấy không thể cứu vãn nên tôi nộp đơn ra tòa án nhân dân quận để chờ quyết định. Trong thời gian này mỗi bên đều có quyền tìm hiểu và có những mối quan hệ riêng”, nam doanh nhân khẳng định.
Bình luận về sự việc này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì có hai khái niệm quan trọng, hay được nhắc đến là “kết hôn” và “ly hôn”. Theo đó, “kết hôn” là căn cứ để xác lập, phát sinh quan hệ hôn nhân và gia đình; “ly hôn” là căn cứ để chấm dứt quan hệ nhân và gia đình. Đây là hai khái niệm quan trọng trong luật hôn nhân và gia đình, là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của vợ, của chồng trong quan hệ hôn nhân và khi ly hôn.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì việc kết hôn và ly hôn phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định, do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Việc kết hôn từ trước đến nay pháp luật đều quy định do UBND nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện. Người thực hiện thủ tục kết hôn phải đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật, việc kết hôn phải tự nguyện và không thuộc trường hợp cấm kết hôn theo quy định. Sau khi kết hôn thành công thì pháp luật công nhận hai người là vợ chồng và được cấp giấy chứng nhận kết hôn, đồng thời cơ quan đăng ký kết hôn cũng vào sổ để ghi nhận mối quan hệ hôn nhân giữa hai người.
Nếu như việc kết hôn là một thủ tục hành chính, do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện thì việc ly hôn lại là một thủ tục tố tụng, do tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Khi một người đã kết hôn, đã có cuộc hôn nhân hợp pháp thì chỉ được coi là “ly hôn”, chấm dứt quan hệ hôn nhân (trở thành người độc thân) khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền.
Trường hợp hai người đã có đăng ký kết hôn nhưng do mâu thuẫn mà xé giấy đăng ký kết hôn đi nhưng không thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật tại tòa án thì quan hệ hôn nhân đó cũng chưa chấm dứt. Trường hợp đã đăng ký kết hôn nhưng do mâu thuẫn mà sống ly thân, mỗi người một nơi thì dù ly thân bao nhiêu năm cũng không được coi là ly hôn, quan hệ hôn nhân giữa họ vẫn tồn tại.
“Khi vợ chồng mâu thuẫn xung đột thì những lời nói trách móc, oán giận, nặng lời, gây tổn thương lẫn nhau là khó tránh khỏi. Trong đó có thể xuất hiện lời đề nghị: “Ly hôn đi” và người kia vì bực tức mà cũng “đồng ý” ngay. Tình huống này có thể gọi là “ly hôn bằng miệng” chứ chưa theo trình tự thủ tục pháp luật, chưa được pháp luật thừa nhận. Do vậy, nếu hai người không đến tòa án để làm thủ tục thuận tình ly hôn hoặc đơn phương ly hôn, chưa có bản án, hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án cho chấm dứt quan hệ hôn nhân thì việc “ly hôn bằng miệng” không có giá trị pháp lý”, Ts. Ls Cường phân tích.
Cũng theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam có thừa nhận “hôn nhân thực tế” (không đăng ký kết hôn nhưng cũng được coi là vợ chồng trong một số trường hợp) nhưng không thừa nhận ly hôn thực tế mặc dù có nhiều trường hợp hai vợ chồng không coi nhau là vợ chồng, không thực hiện nghĩa vụ của vợ, của chồng mấy chục năm liền.
Nghị quyết của Quốc Hội ghi nhận những người chung sống như vợ chồng và từ trước 3/1/1987 mà không có đăng ký kết hôn thì có thể công nhận là vợ chồng mà không cần phải đăng ký kết hôn. Đây là quy định đặc biệt trong quan hệ hôn nhân và gia đình bởi yếu tố lịch sử và để đảm bảo ổn định đời sống của người dân. Nội dung này được quy định tại Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10.
Còn đối với vấn đề “ly hôn” thì pháp luật hiện nay không có bất cứ văn bản hướng dẫn nào quy định là trường hợp “ly hôn bằng miệng” hay “ly hôn thực tế”. Thủ tục ly hôn duy nhất pháp luật quy định là do tòa án thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Để được “ly hôn” chấm dứt quan hệ hôn nhân trở thành “độc thân” thì các đương sự phải có đơn yêu cầu tòa án xem xét giải quyết cho ly hôn. Kèm theo đó là bản chính đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con và các giấy tờ về tài sản (nếu có yêu cầu chia tài sản).
Sau khi nhận đơn thì tòa án sẽ kiểm tra, xem xét và có thể thụ lý để giải quyết. Thủ tục giải quyết một vụ việc thuận tình ly hôn trong thời hạn hai tháng, thủ tục giải quyết một vụ án ly hôn có tranh chấp về hôn nhân, về quyền nuôi con hoặc về tài sản là trong thời hạn khoảng 07 tháng. Nếu vụ việc tranh chấp về tài sản phức tạp thì thời gian kéo dài có thể hàng năm cũng chưa xong.
Khi nào hai bên có được quyết định hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật cho phép chấm dứt quan hệ hôn nhân thì khi đó mới trở thành độc thân, mới chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của vợ, của chồng theo quy định pháp luật. Ngoài ra, các tuyên bố “ly hôn bằng miệng”, việc sống ly thân nhiều năm, hành vi xé bỏ, đốt giấy đăng ký kết hôn đều không phải là sự kiện pháp lí làm chấm dứt quan hệ hôn nhân và gia đình.
Theo quy định của pháp luật thì người đang có vợ, có chồng (chưa thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật) mà chung sống như vợ chồng với người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định hôn nhân một vợ một chồng theo quy định của Bộ luật hình sự.
“Trong xã hội thì ngoài việc tuân thủ chuẩn mực pháp luật, mọi người còn phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức xã hội. Trong đó sống chung thủy, ứng xử có văn hóa nơi công cộng đó là những chuẩn mực đạo đức. Người nào vi phạm những chuẩn mực thì sẽ phải chịu những chế tài của pháp luật”, Ts.Ls Cường chia sẻ.