Ngày 13/12, tại Hà Nội, Tạp chí Thời Đại (cơ quan của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào, Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện.”
Ban tổ chức cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” đã công bố quyết định trao giải thưởng cho các tác giả/nhóm tác giả, gồm: 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 7 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 5 giải Ấn tượng.
Tại buổi lễ, Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houng Boung Nuang đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện,” dù diễn ra trong thời gian không dài nhưng đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân hai nước tham gia, thể hiện nghĩa tình sâu nặng giữa hai dân tộc.
“Từ thủ đô Vientiane đến chiến khu kháng chiến Hủa Phăn, từ tỉnh cực Bắc Phongsaly đến các tỉnh Nam Lào, từ những cựu binh đã từng tham gia kháng chiến đến các thế hệ thanh thiếu niên trẻ tuổi đều đón nhận Cuộc thi với tất cả tấm lòng.
Nhiều bài thi được đầu tư công phu, có nội dung phong phú, hình thức đa dạng, nhiều câu chuyện xúc động gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Hơn cả một cuộc thi, ‘Kỷ vật kể chuyện’ đã góp phần vun đắp, nuôi dưỡng tình cảm hữu nghị nhân dân hai nước Việt Nam-Lào,” Đại sứ Sengphet Houng Boung Nuang nhận xét.
Chúc mừng các tác giả được trao giải, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam cho biết, thành công của cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” đóng góp có ý nghĩa vào Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022; khẳng định, những câu chuyện được nghe hôm nay càng thôi thúc Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước nỗ lực hơn nữa để trao truyền cho thế hệ mai sau về truyền thống đoàn kết, hữu nghị của các thế hệ cha ông; để các thế hệ hôm nay và mai sau viết tiếp những trang mới vẻ vang của tình hữu nghị Việt Nam-Lào.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga tin tưởng sẽ có nhiều hơn nữa những câu chuyện xúc động, cách làm hay để tôn vinh, nhân rộng những tấm gương của các cá nhân, tập thể, địa phương đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông” như lời Chủ tịch Kaysone Phomvihane và “sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.
[Phát động Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” về 60 năm quan hệ Việt-Lào]
Thay mặt Ban Tổ chức Cuộc thi, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam cho biết: Từ khi phát động ngày 9/5 đến ngày kết thúc cuộc thi 15/9, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 6.215 bài viết với sự tham gia của 48 đơn vị, hàng chục địa phương và hàng ngàn tác giả cá nhân ở Việt Nam và Lào.
Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” đã thu hút sự tham gia của đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân hai nước; là diễn đàn ôn lại những tháng ngày gian khổ, hào hùng, cùng chia ngọt sẻ bùi giữa những người anh em Việt-Lào trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác.
“Những kỷ vật vô giá khiến chúng ta hết sức xúc động, tự hào; thôi thúc chúng ta cùng suy nghĩ, hành động hướng tới tương lai quan hệ Việt-Lào ngày càng phát triển,” ông Nguyễn Văn Doanh cho biết.
Theo Ban Tổ chức, tác giả tham gia cuộc thi có 50% là cựu chiến binh; 30% là các lưu học sinh; ngoài ra còn có sự tham gia của quan chức Lào, giới giải trí (nhạc sỹ, ca sỹ, á hậu), nhà báo, sinh viên, người dân. Người trẻ nhất là 18 tuổi, lớn tuổi nhất là 100 tuổi. Đa số bài thi của các tác giả từ 60 đến 80 tuổi.
Kỷ vật chủ yếu được trao tặng trong thời kỳ kháng chiến. Người trẻ tuổi tham gia thi, kỷ vật thường gắn với quà tặng trong học tập, khen thưởng và đồ dùng phòng, chống dịch COVID-19.
Thông qua cuộc thi, nhiều câu chuyện về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước được biết đến và truyền tải tới công chúng, góp phần khắc họa rõ nét hơn về mối tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc anh em Việt-Lào.
Em Sard Yang (sinh năm 2008, tại Xiêng Khoảng, Lào) từng mắc bệnh trọng sang Việt Nam chữa bệnh. Em được nhiều người Việt Nam ủng hộ, hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm. Đến nay, sau 5 năm, nhờ cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện,” gia đình Sard Yang đã được kết nối trở lại thông qua Hội Người Việt tại Xiêng Khoảng. Sard Yang hiện đã có sức khỏe ổn định và đang có cơ hội gặp lại những ân nhân Việt Nam.
Nhiều tác giả sau khi gửi bài thi đã đến trao kỷ vật cho Ban Tổ chức. Ngày 30/7/2022, ông Lê Reo (80 tuổi, Triệu Sơn, Thanh Hóa) tặng Ban Tổ chức khoảng 60 kỷ vật. Các kỷ vật có được trong giai đoạn những năm 1965-1967, chủ yếu đến từ khu vực Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, Hủa Phăn, Vientiane. Tác giả Dương Mạnh Việt (Thái Nguyên) gửi tặng 10 kỷ vật…
Ban Tổ chức đã trao 2 giải Nhất tặng ông Tráng Lao Lử (bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) với những kỷ vật gợi nhớ tới lãnh tụ cách mạng Lào và ông Khamkeo Vôngphila (nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Vientiane-Lào, ở Bản Kơn Nưa, huyện Thurakhôm, tỉnh Vientiane) với bức ảnh cùng gia đình bố mẹ nuôi năm 1969.
Nhờ cuộc thi, ông Khamkeo Vôngphila, người từng được tặng Huy chương Hữu nghị của Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào, đã tìm được bố mẹ nuôi người Việt Nam. Đó là cụ Trần Văn Túc và cụ Dương Thị Mai (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ)./.