Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả Giai đoạn 1 xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.
Tính đến hết tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 16 cơ quan báo chí, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng.
Cụ thể, 9 cơ quan báo chí bị phạt bao gồm: Tạp chí Thương gia bị phạt tiền 50 triệu đồng; Tạp chí Môi trường và Cuộc sống bị phạt tiền 55 triệu đồng; Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị bị phạt tiền 55 triệu đồng; Tạp chí Đời sống và Pháp luật bị phạt tiền 138 triệu đồng; Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến bị phạt tiền 72,5 triệu đồng; Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bị phạt tiền 50 triệu đồng; Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam bị phạt tiền 63 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép loại hình điện tử trong thời hạn 3 tháng; Báo Sức khoẻ và Đời sống bị phạt tiền 72,5 triệu đồng; Báo điện tử Tổ quốc bị phạt tiền 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành quyết định xử phạt Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, Tổng biên tập Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam số tiền tương ứng là 3,5 triệu đồng và 7 triệu đồng.
[Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp]
Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, kiểm tra đối với Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, Tạp chí Nhà quản lý; chuẩn bị ban hành quyết định xử phạt đối với Tạp chí điện tử Viettimes, Tạp chí điện tử Nhịp sống số, Tạp chí điện tử Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại.
Các cơ quan báo chí bị xử lý đều nghiêm túc nhận ra những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.
Các đơn vị bị xử lý đã gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích.
Phần lớn các cơ quan chủ quản có cơ quan báo chí bị xử lý cũng nhận thức việc buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí và cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí khắc phục các vi phạm, khuyết điểm và thực hiện đúng các quy định.
Tại thời điểm làm việc, 4 cơ quan báo chí chủ động xin tạm dừng hoạt động 5 chuyên trang để rà soát, chấn chỉnh hoạt động; 4 cơ quan báo chí chủ động chấm dứt hoạt động liên quan đến việc liên kết sản xuất nội dung, chấm dứt việc cho đơn vị hợp tác, trang thông tin điện tử tổng hợp dẫn lại tin, bài. Công tác xử lý tạo hiệu ứng tích cực khi có cơ quan báo chí đã chủ động chấm dứt hợp đồng hợp tác, dừng việc cho các trang thông tin điện tử tổng hợp khai thác lại tin, bài.
Từ tháng 10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của khoảng 15 cơ quan báo chí; cương quyết xử lý nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm./.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành và quyết liệt triển khai Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí và tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay nhằm mang lại sự trong sạch và uy tín cần có cho hệ thống báo chí, cho người làm báo. Lần đầu tiên, các tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ, công khai tại Quyết định số 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022. Công tác xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí được thực hiện một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. |