Hơn 15 năm sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư người Mỹ Annette M. Kim đã “phải lòng” mảnh đất này cùng những con người bình dị nơi đây.
Vị giáo sư “mê vỉa hè” và cộng sự của bà đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn, chụp hàng nghìn bức ảnh để khẳng định rằng không gian xã hội độc đáo trên vỉa hè là yếu tố khiến Thành phố Hồ Chí Minh khác biệt so với những đô thị khác trên thế giới.
Với bà, vỉa hè có sức sống riêng, tinh thần riêng, thấm đẫm văn hóa và phản ánh đời sống của người dân, chứ không chỉ là một khoảng không gian câm lặng.
Không gian của lòng nhân ái
Nghiên cứu sinh người Mỹ Annette M. Kim đến Việt Nam lần đầu năm 1996 để hoàn thành luận văn về chính sách công và quy hoạch đô thị. Lúc đó, Thành phố Hồ Chí Minh chưa có diện mạo hoa lệ như bây giờ. Phía Nam thành phố hầu hết là những vùng đất sình lầy.
Bà đã gõ cửa nhiều nhà dân để phỏng vấn họ về vấn đề quy hoạch đô thị. Quá trình tiếp xúc đã khiến bà nhận ra rằng những con người nơi đây thật tốt bụng và mến khách. Do đó, bà đã lựa chọn gắn bó lâu dài với cuộc sống ở đây và tiến hành nhiều nghiên cứu về đô thị Sài Gòn.
Trong nhiều năm, giáo sư Annette M. Kim và các cộng sự của bà tại Phòng phân tích không gian đô thị (Spatial Analysis Lab – SLAB) của Đại học Nam California đã dày công thu thập các ghi chép lịch sử về vỉa hè từ văn khố, số liệu thống kê, quy hoạch đô thị, ảnh chụp, cũng như xem xét tài liệu học thuật của các nhà sử học về các giai đoạn khác nhau trong lịch sử.
SLAB đã thực hiện 275 cuộc phỏng vấn, ghi lại hơn 3.000 tấm ảnh, đoạn phim để vẽ lên một không gian công cộng trên vỉa hè mang nét văn hóa đặc trưng không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới.
Điều thú vị nhất mà giáo sư Kim nhận ra là tình người, lòng nhân ái và sự gắn kết cộng đồng khi người dân cùng sử dụng vỉa hè làm không gian sống.
Khác với nhiều đô thị ở HongKong, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ…, người dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn hào hiệp và sẵn sàng chia sẻ không gian vỉa hè với nhau dù họ đang phải đối mặt với áp lực của đô thị hóa và sự gia tăng dân số. Nếu có xích mích, người ta thường ngó lơ hoặc có thể dàn xếp với nhau rất nhanh chóng.
Qua các cuộc phỏng vấn, những người bán hàng rong chia sẻ rằng các chủ tiệm thường giúp đỡ họ, cho họ dùng điện nước với một khoản chi phí nhỏ và gửi đồ qua đêm. Lý do là: Nếu cho người bán hàng rong “ngồi nhờ” ở trước nhà, chủ tiệm sẽ thu hút được một lượng người đến với cửa hàng của mình, từ đó biến họ trở thành khách hàng tiềm năng.
Những người bán hàng rong cũng hợp tác với nhau, chẳng hạn như trường hợp ba người bán hủ tiếu, bán nước và bán kẹo góp chung tiền mua bàn ghế nhựa. Nữ giáo sư người Mỹ gọi đây là “lối sống cộng sinh” ở vỉa hè.
Bà thích thú khi thấy một đoạn vỉa hè là nơi diễn ra nhiều hoạt động khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong ngày: Sáng sớm, mọi người tập thể dục. Sau đó, các gánh hàng ăn, hàng nước hoạt động. Vỉa hè yên ắng một chút rồi đông đúc trở lại vào thời điểm bữa trưa…
Bà khẳng định: “Đời sống sôi động nơi vỉa hè đã làm nên nét đặc trưng của thành phố này, biến nó thành nơi độc đáo, duy nhất trong các thành phố trên thế giới.”
Sài Gòn không thể mất đi vỉa hè
Là một chuyên gia về quy hoạch đô thị, giáo sư Kim cho rằng chính những vỉa hè khiêm nhường mới là không gian công cộng quan trọng nhất, nơi mà mọi người sử dụng, gặp gỡ và tương tác với nhau mỗi ngày. Với bà, vỉa hè là không gian đa chức năng, có thể giúp rất nhiều người kiếm sống đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội.
Qua khảo sát du khách quốc tế, bà cũng thấy rằng họ yêu thích các món ăn, uống càphê, trò chuyện với người dân địa phương, ngồi trên những chiếc ghế nhựa và ngắm nhìn cuộc sống diễn ra trên vỉa hè. Cá nhân giáo sư cũng tìm thấy những món ăn vỉa hè còn ngon hơn trong nhà hàng. Do đó, nếu thành phố muốn tăng cường phát triển du lịch thì vỉa hè là một trong những khía cạnh nên được chú ý nhất và tạo điều kiện để phát huy hết sức hấp dẫn của nó.
“Vỉa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh ‘dạy’ cho các nhà quy hoạch về sự linh hoạt và khả năng chia sẻ không gian, đặc biệt ở những thành phố chật chội,” bà nói.
Từ nhận định đó, bà bày tỏ mong muốn lãnh đạo thành phố sẽ tổ chức, quản lý vỉa hè tốt hơn, phù hợp văn minh đô thị chứ không nên “quét sạch” các hàng quán bởi “mỗi gánh hàng rong hoặc một quán nhỏ chiếm một chỗ khiêm tốn trên vỉa hè là một cuộc đời, thậm chí là nhiều cuộc đời…”
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà cho rằng đại dịch COVID-19 đã khiến mọi người nhìn nhận lại không gian đô thị theo một cách mới. Tình trạng giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn và những khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ đã khẳng định tầm quan trọng của không gian công cộng ngoài trời.
“Nhiều thành phố ở Mỹ đã tăng cường sử dụng không gian vỉa hè để kinh doanh bởi người dân cho rằng ăn uống ở ngoài trời an toàn hơn trong không gian kín của các nhà hàng. Tất nhiên, đây chỉ là hoạt động mang tính thời điểm. Song, tôi cho rằng các nhà lãnh đạo có thể ứng dụng tùy đặc điểm của từng địa phương,” bà nói.
Mới đây, giáo sư Kim ra mắt cuốn sách “Đời sống vỉa hè Sài Gòn” đưa ra cái nhìn toàn cảnh về không gian văn hóa công cộng đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và các giải pháp phát triển đô thị.
“Tôi và những người bạn Việt Nam như nhà quy hoạch đô thị Nguyễn Đỗ Dũng, kiến trúc sư Lê Nguyễn Hương Giang… muốn làm điều gì đó cho Sài Gòn vì tôi đã nhận được quá nhiều trải nghiệm quý giá tại đây,” bà nói./.
Annette M. Kim là giáo sư ngành chính sách công và quy hoạch đô thị của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Bà cũng là giám đốc sáng lập Phòng phân tích không gian đô thị (Spatial Analysis Lab – SLAB) của Đại học Nam California. Bà lấy bằng tiến sỹ năm 2002 với nghiên cứu về phát triển đất đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. |