Bắc Giang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống

Xem bài viết

Bắc Giang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thốngDu khách thưởng thức các Canh quan họ cổ tại huyện Việt Yên, Bắc Giang, “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của nhân loại. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tỉnh Bắc Giang được biết đến là một trong những vùng đất cổ có bề dày lich sử văn hóa. Ở đây, những bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc luôn được lưu giữ, trao truyền, trong đó nhiều loại hình di sản văn hóa đã được vinh danh ở cấp quốc gia và quốc tế.

Những bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu

Đến với tỉnh Bắc Giang vào những dịp Giêng Hai, khi đất trời vào Xuân, du khách có thể lựa chọn tham dự vào một “kho tàng” với gần 800 lễ hội được tổ chức, trong đó có 9 lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm Lễ hội Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên); Lễ hội Yên Thế (thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế); Lễ hội Y Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa); Lễ hội Đền Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam); Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng); Lễ hội đình Vồng (xã Song Vân, huyện Tân Yên); Lễ hội chùa Bổ Đà (xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên); Lễ hội Tiên Lục (xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang) và Lễ hội vật cầu nước làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên).

Trong không gian lễ hội ở Bắc Giang, không chỉ là nơi lưu giữ, thực hành các nghi lễ truyền thống mà còn là “miền đất sống” của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đã được UNESCO vinh danh như dân ca quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt và thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại các huyện vùng cao, miền núi như Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang còn được thể hiện thông qua các loại hình dân ca truyền thống như dân ca dân tộc Cao Lan (Sịnh ca), dân ca dân tộc Sán Chí (Cnắng cọô), dân ca dân tộc Nùng (Soonghao), dân ca dân tộc Sán Dìu (Soọng Cô), Hát Then-đàn tính dân tộc Tày-Nùng … Trong đó, dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao và dân ca Cao Lan, xã Đèo Gia (huyện Lục Ngạn) đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Miền di sản văn hóa Bắc Giang, sau hàng nghìn năm được hun đúc, đã tạo nên không gian văn hóa vô cùng đặc sắc. Nếu như những làn điệu dân ca quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với nghi lễ hát văn, hầu đồng được thực hành trong không gian của những ngôi đình, chùa, đền, điện nằm dọc theo những con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Giang như sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam; thì những làn điệu dân ca dân tộc thiểu số lại được âm vang bên những dải núi, đồi bốn mùa ngát hương hoa trái.

Bên cạnh những di sản đã được vinh danh ở cấp quốc gia và quốc tế, sẽ rất thiếu sót khi không nhắc tới những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc khác ở Bắc Giang, đó là nghệ thuật chèo, tuồng.

Từ lâu, chèo cổ Bắc Giang được mệnh danh là một trong “tứ chiếng” trong lịch sử nghệ thuật chèo ở nước ta, nổi danh với những vùng chèo truyền thống như Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên…, loại hình này thường gắn với hoạt động tại các đền, đình, chùa, am miếu…

Những phường chèo này hầu hết đều do nhân dân tự lập nên, diễn viên vừa làm ruộng vừa tham gia các phường chèo.

Cùng với nghệ thuật chèo, tại ngôi làng cổ nằm bên bờ Bắc của dòng sông Cầu (làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên) là nơi duy nhất của tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ được nghệ thuật tuồng cổ, được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Không chỉ xuất hiện trên sân khấu, các nhân vật tuồng còn là “điểm nhấn” trong nghi lễ rước của Lễ hội Thổ Hà hàng năm, người dân nơi đây vẫn trao truyền cho nhau từng tích truyện, kịch bản, trang phục, vai diễn cho đến cách hóa trang, điệu bộ của tuồng…

Với tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, giữ gìn tinh hoa vốn cổ của ông cha, người dân Thổ Hà từ lâu đã truyền tai nhau câu nói: “Phi tuồng bất thành hội” (không có tuồng thì không thành lễ hội). Vì vậy, hàng năm, làng mở hội vào ngày 20, 21 tháng Giêng và đều tổ chức diễn Tuồng kín cả hai đêm, có rất đông khán giả trong và ngoài vùng đến thưởng thức…

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Trần Minh Hà cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, Bắc Giang tập trung bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo và các hình thức nghệ thuật truyền thống thuộc các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm dân ca quan họ; ca trù; hát văn, hát chầu văn (nằm trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt); hát then (nằm trong di sản Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam).

Bac Giang no luc bao ton, phat huy gia tri nghe thuat truyen thong hinh anh 2Biểu iễn các Canh quan họ cổ tại huyện Việt Yên, Bắc Giang. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tỉnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, có khả năng thích ứng với xu hướng nghệ thuật đương đại, gắn với hoạt động du lịch, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và quảng bá hình ảnh quê hương, con người, di sản văn hóa Bắc Giang với bạn bè trong và ngoài nước.

Hằng năm, Bắc Giang tổ chức dàn dựng từ 2-3 vở chèo và trích đoạn chèo; lưu giữ và phục dựng 30 làn điệu chèo truyền thống; 1-2 chương trình ca múa nhạc dân gian; tổ chức 80-100 buổi diễn phục vụ nhân dân và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tham gia và đạt từ 8-10 huy chương tại các hội thi chuyên nghiệp quy mô khu vực và toàn quốc.

Bên cạnh đó, Bắc Giang tổ chức 4 lớp truyền dạy chèo, 5 lớp truyền dạy quan họ, ca trù, hát văn, hát chầu văn, hát then; thành lập mới từ 3-4 câu lạc bộ chèo; 2-3 câu lạc bộ hát quan họ, ca trù, hát then, hát văn, hát chầu văn… Mỗi năm, tổ chức tập huấn cho 500-600 hạt nhân văn nghệ cơ sở.

Từ năm học 2022, Bắc Giang thí điểm đưa nghệ thuật truyền thống vào nội dung giáo dục ngoại khóa tại các trường học.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Trần Minh Hà, để đạt mục tiêu, địa phương tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sỹ của Nhà hát chèo tỉnh Bắc Giang có chuyên môn giỏi, yêu nghề, nhiệt tình phục vụ nhân dân; tập trung gìn giữ giá trị nghệ thuật Chiếu chèo xứ Bắc và các loại hình nghệ thuật truyền thống của tỉnh.

Cùng với đó, Bắc Giang lựa chọn kịch bản và dàn dựng các chương trình biểu diễn có giá trị nghệ thuật cao và mang tính nhân văn sâu sắc, trong đó chú trọng nội dung ca ngợi truyền thống ngàn năm văn hiến và công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan, các địa phương đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên môn.

Ngành tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo nâng cao hiệu quả Chương trình đưa nghệ thuật truyền thống vào các trường học; thành lập các Câu lạc bộ “Em yêu làn điệu dân ca” tại các trường học; dàn dựng các hoạt cảnh, đặt lời mới các làn điệu gắn với đề tài học đường, ca ngợi truyền thống quê hương, đất nước.

Ngoài ra, Bắc Giang tăng cường phối hợp với các tổ chức, đơn vị du lịch, lữ hành để đưa nghệ thuật truyền thống vào các hoạt động dịch vụ du lịch để phục vụ du khách.

Tỉnh có các chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp và thỏa đáng dành cho đội ngũ nghệ sỹ, nghệ nhân tham gia công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống; huy động có hiệu quả sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trên địa bàn…/.

(Vietnam+)